Quốc hội thông qua nghị quyết lịch sử về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 12/6, với 461/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,44% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố; trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp quy định tại nghị quyết này và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp là các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Sơn La và thành phố Hà Nội, thành phố Huế.

Các cơ quan theo thẩm quyền khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết bảo đảm để chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành phố trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; hỗ trợ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động, ảnh hưởng của việc thực hiện sắp xếp; bảo đảm an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Chính phủ có trách nhiệm tổ chức việc xác định chính xác diện tích tự nhiên, phạm vi ranh giới trên bản đồ hành chính, trên thực địa. Trường hợp sau khi rà soát, đối chiếu trên thực địa mà số liệu về diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính khác với số liệu ghi trong nghị quyết này thì Chính phủ tiến hành cập nhật, điều chỉnh và thực hiện công bố công khai các thông tin này bằng hình thức thích hợp mà không phải báo cáo lại Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Dự kiến, ngày 30/6 tới đây, đồng loạt các tỉnh sẽ công bố địa giới hành chính mới của tỉnh, xã và bộ máy lãnh đạo mới cả Đảng và chính quyền. Sau khi sáp nhập tỉnh, sắp xếp lại cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện, bộ máy chính quyền địa phương sẽ hoạt động theo mô hình 2 cấp (tỉnh, xã); dự kiến sẽ giảm 250 nghìn người gồm: 130.000 cán bộ, công chức, viên chức và 120.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tiết kiệm hơn 190 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030.

52 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới có tên: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết và các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; đồng thời đánh giá cao Chính phủ và các địa phương đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng Đề án, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

Có ý kiến đề nghị xác định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội biểu quyết thông qua để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai công tác bàn giao, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm để chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có thể sớm chính thức bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Chính phủ chỉnh lý Điều 2 dự thảo Nghị quyết theo hướng Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua; các cơ quan theo thẩm quyền khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết bảo đảm để chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025; chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước khi sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp chính thức hoạt động.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính sau sắp xếp: Có ý kiến đề nghị Chính phủ có kế hoạch, lộ trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính sau sắp xếp; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ dôi dư.

Về nội dung này, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương ban hành chương trình, kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện, trong đó khẩn trương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, bố trí nhân sự phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, có đủ khả năng tiếp nhận các nhiệm vụ, quyền hạn mới để triển khai thực hiện ngay sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào vận hành; kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.…/.


Tin liên quan

Tinh gọn bộ máy: Bố trí cán bộ tương xứng với yêu cầu phát triển

Nổi bật trong tuần qua, theo Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị (25/5/2025) về triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, Bộ Chính trị chỉ đạo đưa vào hoạt động cấp xã mới từ ngày 1/7/2025, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/7/2025. Cấp tỉnh phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8/2025.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Trong 24 năm đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng các thiết chế, thể chế và cơ chế dân chủ, tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Đến nay, tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu quả, vẫn là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại.

Tin cùng chuyên mục

“Trái ngọt” từ chính sách giảm nghèo bền vững

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, Bình Thuận đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Hợp tác lúa gạo Việt Nam-Cuba: Gieo mồ hôi, gặt mùa vàng

Cơn mưa đá bất thường quét qua cánh đồng lúa Calimete đêm trước chuyến thăm của Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long để lại những vệt tan hoang trên những thửa ruộng đang sắp vào vụ gặt. Nhưng, nắng mưa là chuyện của trời, vượt nắng thắng mưa để giúp bà con có những mùa vàng bội thu là mục tiêu của các chuyên gia Việt Nam và Cuba tham gia dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo tại đây.

Quyết tâm hoàn thành cơ bản mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, quyết tâm hoàn thành cơ bản mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025; trong đó, hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng, hoàn thành trước ngày 27/7/2025. Đây là nội dung Công điện số 84/CĐ-TTg ngày 8/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ gửi bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Kinh tế Việt Nam 5 tháng năm 2025

Tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.

Giai đoạn 2018-2025: Hà Nội đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng cho giáo dục mầm non

Giai đoạn 2018-2025, Hà Nội đã đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng cho phát triển giáo dục mầm non. Sau 7 năm thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”, 100% các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Mạng lưới các trường phát triển đồng bộ, đa dạng. Năm 2025, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 1.160 trường mầm non, chiếm khoảng 1/10 tổng số trường mầm non toàn quốc. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp vượt 15,2%, trẻ mẫu giáo ra lớp vượt 3,6% so với mục tiêu. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi của thành phố ra lớp đạt 100%, khẳng định chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi một cách bền vững, tạo tiền đề hướng tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” diễn ra chiều 2/6/2025 tại Hà Nội.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 (từ 1- 8/6/2025)

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 diễn ra từ ngày 1 đến 8/6/2025, với chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững”, nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và các công nghệ xanh trong bảo vệ đại dương, phát triển kinh tế biển. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025 hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tháng hành động vì môi trường. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025 cũng là là dịp quan trọng để nâng cao, lan tỏa tinh thần yêu biển, thể hiện trách nhiệm gìn giữ môi trường và tài nguyên biển đảo, đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển.

Tháng hành động vì trẻ em (1 - 30/6/2025): Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em

Diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6/2025, Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 có chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em” nhằm tăng cường sự quan tâm của cộng đồng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; ưu tiên bố trí các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em đã đề ra. Khẩu hiệu của Tháng Hành động vì trẻ em năm 2025 là phát huy sức mạnh cộng đồng để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em; tăng cường phòng ngừa và can thiệp sớm để giải quyết các vấn đề của trẻ em; hành động vì trẻ em ngay hôm nay, xây dựng ngày mai tươi sáng; tạo mọi cơ hội, điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện; đảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; vì một cộng đồng an toàn, mỗi gia đình cần nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý và giám sát trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi…