Sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng phải quy định lại tiêu chuẩn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ là “công bộc của nhân dân” trong kỷ nguyên mới.
Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam - VASA, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. 
Ảnh: TTXVN phát

Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã quyết nghị tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng, phải quy định lại tiêu chuẩn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có thể gánh vác và hoàn thành tốt nhiệm vụ là “công bộc của nhân dân”.

* Bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, từng bước thực hiện chế độ công chức hợp đồng

- Phóng viên: Nhiều người băn khoăn về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức khi sáp nhập xã, phường. Để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, cán bộ, công chức cần có những tiêu chuẩn gì, thưa ông?

- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Từ khi thành lập nước tới nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng trưởng thành, phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng của nền công vụ; đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân tại địa phương.

Từ năm 1986 (đổi mới) tới nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ và năng lực đối với cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp tới sẽ tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã sẽ có nhiều điểm đổi mới; công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng nhiều để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng chế độ công vụ theo vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ; bỏ tư duy “biên chế suốt đời” bằng việc từng bước thực hiện chế độ công chức hợp đồng; làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức vụ hoặc chức danh tương ứng; bỏ thi nâng ngạch; thực hiện chế độ công vụ thống nhất, không còn thuật ngữ “cán bộ, công chức cấp xã” nữa...

Cùng với “thay cũ, đổi mới” trong nền công vụ, phải quy định lại tiêu chuẩn cán bộ, công chức, không nên dừng lại ở các phẩm chất chung chung, đo lường trình độ nặng về bằng cấp..., mà phải cụ thể. Như vậy mới có căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là những người làm việc, có thể gánh vác, đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, là “công bộc của nhân dân” trong kỷ nguyên mới.

Ví dụ phải chú ý đưa vào tiêu chuẩn quy định các kiến thức cơ bản; các kỹ năng: quản trị hành chính, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giao tiếp với nhân dân, soạn thảo văn bản, làm việc nhóm, sử dụng công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Hoặc về phẩm chất, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm phục vụ nhân dân; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không trái các quy định của pháp luật...

* Sàng lọc, chuẩn hóa trình độ

Cán bộ, công chức xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thường xuyên trao đổi công việc, đi thực tế tiếp xúc với nhân dân. 
Ảnh: Bích Huệ-TTXVN

- Phóng viên: Phải chăng đây là dịp để chúng ta sàng lọc, chuẩn hóa trình độ của cán bộ, công chức cấp xã, loại những người có bằng dưới đại học, bằng đại học tại chức?

- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Tôi cho rằng đây là cơ hội để đánh giá, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhưng không phải để loại những người có bằng dưới đại học, bằng đại học tại chức, giữ lại những người có bằng chính quy. Bằng đại học dù là hệ chính quy, mở rộng, tại chức, từ xa..., đều là Bằng đại học và đều có giá trị như nhau trước pháp luật. Không nên phân biệt hệ đào tạo.

Cái chúng ta quan tâm là vấn đề năng lực thực sự để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chính sách được xây dựng và ban hành có chất lượng, đi vào cuộc sống; các nhu cầu của người dân hoặc doanh nghiệp được giải quyết nhanh, không ách tắc, chậm trễ… không phải do học hệ nào, trên hay dưới đại học, mà do năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Dù trong thời đại hiện nay, có công nghệ, số, có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ, nhưng nếu thiếu năng lực sử dụng AI, đặt yêu cầu, ra câu hỏi, hoặc đánh giá các nội dung AI đưa ra…, thì vẫn không giải quyết vấn đề gì. Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công việc, không thể thay thế con người được.

- Phóng viên: Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) Bộ Nội vụ đề xuất không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh và cấp Trung ương. Theo ông quy định này có ý nghĩa như thế nào?

- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Tôi rất tán thành đề xuất này của Bộ Nội vụ. Trong một quốc gia thống nhất thì nền công vụ phải thống nhất. Cấp xã là một cấp chính quyền. Hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng là hoạt động công vụ như cán bộ, công chức cấp tỉnh. Không nên phân chia, phân loại cán bộ, công chức giữa các cấp, các ngành với nhau.

Trước đây, chúng ta quy định cán bộ, công chức cấp xã thành một chương trong Luật Cán bộ, công chức là bởi lịch sử hình thành cán bộ ở xã, phường, thị trấn với chất lượng chưa được chuẩn hóa. Nay cơ bản chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được cải thiện và chuẩn hóa như cán bộ, công chức thì không nên phân biệt, phân loại cán bộ, công chức ở Trung ương với cấp tỉnh, cấp xã. Đề xuất này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng một nền công vụ mới, một nền công vụ chuyên nghiệp, thống nhất, trách nhiệm, năng động, hiện đại và hiệu quả, thay thế hoàn toàn chế độ chức nghiệp bằng chế độ vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới.

* Chọn người có đủ năng lực

Cán bộ đang giải quyết thủ tục hành chính tại Hà Nội.
 Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng-TTXVN

- Phóng viên: Ông nghĩ sao về đề xuất đưa cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) về làm ở các xã mới sau sáp nhập?

- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Trong hoạt động công vụ, việc điều động, thuyên chuyển, bố trí, tăng cường cán bộ, công chức giữa các cấp chính quyền là bình thường, nhất là khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (giảm 1 cấp) thì việc điều động, bố trí lại cán bộ, công chức là một tất yếu. Bởi lẽ, chính quyền cơ sở ở các xã, phường mới (sau sáp nhập) sẽ có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động rất khác so với xã, phường hiện nay. Do đó phải đánh giá, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc điều chỉnh, bổ sung, tăng cường.

Việc đánh giá, phân loại, điều động, thuyên chuyển, bố trí nhân sự là một nội dung quản lý cán bộ, công chức và được thực hiện trên cơ sở nhu cầu công tác, nhu cầu nhiệm vụ ở các cơ quan, tổ chức, kể cả chính quyền cấp cơ sở. Vì vậy, sau sáp nhập và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc bố trí, điều động, bổ sung hoặc tăng cường cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) về ở các xã, phường mới sau sáp nhập không những là cần thiết, mà còn là nhiệm vụ bắt buộc phải làm để tăng cường năng lực trong đội ngũ công chức, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mới ở cấp xã.

- Phóng viên: Vậy theo ông, giữa cán bộ có bằng cấp, trình độ và cán bộ có kinh nghiệm làm việc sát cơ sở, nên chọn ai?

- Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Thường thì đa số cán bộ huyện đều trưởng thành từ cơ sở. Không nên so sánh trình độ cán bộ, công chức giữa các cấp. Trình độ và năng lực là 2 khái niệm khác nhau. Có thể trình độ cao hơn nhưng chưa chắc năng lực đã tốt hơn. Người có trình độ chưa chắc đã thành công. Nhưng người thành công thì thường là người có năng lực. Kinh nghiệm là rất quý vì được đúc rút từ thực tiễn và giúp ta tránh được các rủi ro, sai lầm, thất bại. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng chưa hẳn là tất cả.

Tôi rất tâm đắc bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa qua, khi nói tới vấn đề nhân sự, đó là “phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”. Nếu hỏi tôi, giữa cán bộ, công chức có bằng cấp, trình độ và người có kinh nghiệm làm việc sát cơ sở thì nên chọn ai? Tôi sẽ trả lời rằng: “Tôi sẽ chọn người có đủ năng lực để hoàn thành tốt yêu cầu công việc”.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả từ nghị quyết “hợp lòng dân”

Bão lịch sử Yagi hồi tháng 9/2024 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân tỉnh Yên Bái. Sau bão, nhờ những chính sách, nghị quyết được ban hành kịp thời của tỉnh cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, cuộc sống bà con vùng lũ ổn định trở lại.

Bước tiến để ‘gần dân’ hơn

Một mô hình chính quyền địa phương với tầm nhìn dài hạn, tinh gọn, hiệu quả hơn, nhằm phục vụ người dân một cách gần gũi và sát sao hơn nữa, là đích đến của công tác cải cách thể chế, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền.

Bước đột phá cải cách toàn diện hệ thống chính trị

Trong lịch sử tổ chức bộ máy hành chính, chính trị ở Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay, hiếm có hội nghị nào mang tầm bước ngoặt như Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII. Không chỉ dừng lại ở đổi mới tư duy, Trung ương Đảng lần này thể hiện rõ tinh thần dám tổ chức lại toàn bộ hệ thống, với độ đồng thuận cao, phạm vi cải cách sâu rộng và quyết tâm hành động thực chất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên mới

Tối 11/4, tại Nhà hát Quân đội, số 130 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Lễ Tôn vinh hợp tác xã tiêu biểu và trao Giải Ngôi sao Hợp tác xã "Coop Star Awards 2025" cho 100 hợp tác xã tiêu biểu. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 đài truyền hình Việt Nam.

50 năm Thống nhất đất nước: Ước mơ lớn của Bác Hồ

Chiến thắng 30/4/1975 là một dấu son lịch sử của dân tộc Việt Nam, khi non sông quy về một mối và đã hiện thực hóa niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tư tưởng sâu sắc và lời khẳng định của Người: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Chung tay xây dựng tương lai tươi sáng cho Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt-Trung

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Trưởng ban Việt ngữ - Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc Ngụy Vi (Wei Wei) cho biết sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước.

Lịch sử và huyền thoại Việt Nam tái hiện trên sân khấu Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao Pháp-Việt và nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, tuần vừa qua tại thủ đô Paris, đạo diễn Olivier Dhénin Hữu đã mang tới công chúng Pháp 3 vở kịch và nhạc kịch độc đáo dựa trên những câu chuyện cổ tích và lịch sử Việt Nam. Các đêm diễn đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả về sự giao hòa giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây.