Tinh gọn bộ máy: Tận dụng thời cơ phát triển mạnh hơn
Trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.


Bàn tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Yên Bái cho người dân đến thực hiện thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe. 
Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy hành chính từ Trung ương xuống địa phương đang tăng tốc để ngày càng tốt hơn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sau tinh gọn, các địa phương cũng sẽ có đủ không gian, điều kiện tận dụng thời cơ phát triển mạnh hơn để góp sức đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Bộ Nội vụ đang tập trung sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan; phân định thẩm quyền, triển khai các công việc để khi tổ chức hành chính mới đi vào vận hành bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, không có khoảng trống.

Song hành với đó, Đảng ủy Quốc hội cũng đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, dự kiến không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành hai cấp.

Dự kiến đầu tháng 5 tới đây, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ công bố lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội cũng sẽ tiến hành thảo luận nội dung này, kết hợp với các luật có liên quan, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự kiến, Hiến pháp sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 20-25/6, sau đó làm cơ sở cho các luật khác thông qua như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngày 1/7 Hiến pháp có hiệu lực đồng thời với các luật. Như vậy từ thời điểm này, bộ máy chính quyền địa phương sẽ chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, chỉ còn cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay, cả nước sẽ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ soạn thảo cho thấy, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp gồm thành phố Hà Nội, thành phố Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm: 4 thành phố là Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh.

Tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì quan trọng nhất là phân định được thẩm quyền, phân cấp cụ thể từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các bộ chuyên ngành cho đến cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp tới, khi địa phương thiết lập cấp tỉnh, cấp xã mới thì phải biết thẩm quyền của cấp huyện nay ai làm, tỉnh làm gì, xã làm gì và Trung ương phân cấp gì cho cấp tỉnh. Do đó, mỗi Bộ cũng cần xây dựng nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực mình quản lý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng cũng cho rằng, trong sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, cần lưu ý việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình trọng điểm để việc chuyển tiếp nhịp nhàng, không bị gián đoạn.

Những chuyển động mạnh mẽ của Trung ương đã lan tỏa xuống các địa phương. Tại Bình Dương, theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước ngày 1/5/2025, Bình Dương sẽ hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với mục tiêu giảm khoảng 50% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện có. Riêng thành phố Thủ Dầu Một hiện gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã nhưng sau sắp xếp, dự kiến còn 6 phường (giảm hơn 50%).

Từ ngày 1/7/2025, tỉnh sẽ hoàn tất việc tổ chức lại chính quyền cấp huyện, đưa mô hình quản lý mới vào hoạt động. Quá trình này không chỉ là sự thay đổi về mặt địa giới hành chính mà còn hướng đến việc tối ưu hóa bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, giảm bớt đầu mối trung gian, tiết kiệm chi phí vận hành và tăng hiệu suất làm việc của hệ thống chính trị.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của Bình Dương trong việc xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, hướng đến sự phát triển bền vững. Không chỉ đơn thuần là bài toán tinh gọn bộ máy, đây còn là động lực để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Liên quan đến việc thực hiện chủ trương không tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện, Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng tốc triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trước ngày 10/5, Thành phố phải hoàn thiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để trình Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cấp huyện đã đi cùng chặng đường lịch sử của đất nước, nhưng tới giờ này vai trò, sứ mệnh lịch sử đã kết thúc, sẽ rời “đường đi” này và nhường lại cho cấp xã. Tinh thần là xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung cho cấp tỉnh, thành phố, đồng thời tăng cường, sắp xếp lại cấp xã sao cho đủ mạnh để gánh vác khi không còn cấp huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Kênh truyền hình Pháp giới thiệu về Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trên chương trình Thời sự 20h00 của kênh truyền hình TF1 tối 7/4, một phóng sự dài gần 4 phút với tiêu đề " Made in Vietnam : le nouvel atelier du monde", tạm dịch là "Hàng Việt Nam, công xưởng mới của thế giới" đã được phát trong mục tiêu điểm của chương trình. Được một nhóm phóng viên Pháp có mặt tại Việt Nam thực hiện, phóng sự nhằm giới thiệu về đất nước châu Á này như một điểm đến mới của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam nổi bật tại Triển lãm thực phẩm và đồ uống ở Singapore

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Triển lãm thương mại thực phẩm và đồ uống (FHA-F&B) hàng đầu châu Á đã khai mạc ngày 8/4 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Singapore EXPO, với hơn 1.500 đơn vị đăng ký triển lãm là các nhà phân phối, nhập khẩu, nhà sản xuất và thương hiệu nổi tiếng đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm nay, Việt Nam nổi bật với hơn 50 doanh nghiệp tham gia triển lãm, đã thu hút sự chú ý quan tâm của đông đảo khách tham quan.

50 năm Thống nhất đất nước: Xúc động hồi ức về tinh thần dũng cảm, hy sinh của bộ đội Việt Nam

Chiến tranh thật tàn khốc, nhiều chiến sĩ bộ đội Việt Nam dù bị mất chân, mất tay, mất tai, mất nửa má… nhưng họ vẫn rất lạc quan. Chúng tôi không chỉ khâm phục họ về tinh thần dũng cảm, hy sinh quên cả thân mình cho tổ quốc, mà còn học được nhiều phẩm chất tốt đẹp từ họ: chịu khó, lễ phép, yêu học hỏi… Đó là những hồi ức sâu sắc của bà Vu Thục Huệ, nguyên nhân viên y tế Bệnh viện Nam Khê Sơn (Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc), nhân sĩ hữu nghị Trung-Việt khi kể về những ngày chữa trị cho các chiến sĩ bộ đội Việt Nam.

Đoàn cứu hộ Bộ Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Myanmar

Sau 10 ngày thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ người dân Myanmar bị ảnh hưởng bởi động đất, đoàn công tác Bộ Công an đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tối 8/4, đoàn đã về tới Sân bay quốc tế Nội Bài. Toàn bộ 26 thành viên của đoàn và 02 chó nghiệp vụ đều có sức khỏe tốt, không gặp phải chấn thương hoặc tai nạn nào. Lãnh đạo Bộ Công an đã ra tận Sân bay đón và chúc mừng.

2 đoàn công tác của Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Myanmar

Tối 8/4/2025, hai đoàn công tác của Việt Nam tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, gồm lực lượng của Quân đội nhân dân và Bộ Công an đã về đến Hà Nội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar sau thảm họa động đất có độ lớn 7,7 xảy ra ngày 28/3/2025 tại quốc gia này.

HỌC BÁC MỖI NGÀY: Quảng Bình xây dựng quê hương “Hai giỏi” ngày càng giàu đẹp

Cách đây 57 năm, khi nhận được tin Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400, ngày 9/4/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen quân và dân Quảng Bình. Trong thư Bác viết: “Quảng Bình là tỉnh đầu tiên bắn rơi 100, 200, 300 máy bay Mỹ, nay lại là tỉnh đầu tiên bắn rơi 400 máy bay Mỹ. Quảng Bình cũng dẫn đầu về thành tích bắn chìm, bắn cháy tàu chiến và tàu biệt kích địch… Quảng Bình đã lập được chiến công lớn, lại có thành tích xuất sắc trong mọi công tác phục vụ tiền tuyến”.

Đoàn cứu hộ Việt Nam tại Myanmar về nước an toàn

Tối 8/4, chuyến bay cất cánh từ Yangon (Myanmar) đã đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar trở về nước, hạ cánh an toàn tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Đón lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tại sân bay Nội Bài có Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng.