Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Sau hơn 8 năm thi hành, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, sự phát triển của khoa học, công nghệ và truyền thông. Luật Báo chí (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại để báo chí có đóng góp quan trọng hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
*Kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị góp ý Luật Báo chí sửa đổi |
Ảnh: Nguyễn Văn Lý - TTXVN |
Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị kỳ vọng, Luật Báo chí sửa đổi sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại để nền báo chí ngày càng phát triển lớn mạnh, hiệu quả. Về quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam, khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi nêu: “Giám sát, kiểm tra kết luận hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; xử lý vi phạm đối với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với vi phạm đạo đức của người làm báo”. Thực tế hiện nay có không ít người làm báo không tham gia Hội Nhà báo, trong khi việc tham gia Hội Nhà báo là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của mỗi cá nhân; do đó cần có những quy định, chế tài cụ thể về kiểm tra, giám sát đối những người làm báo không phải là hội viên Hội Nhà báo.
Theo nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ, việc kiểm tra, giám sát phải gắn chặt với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp Hội Nhà báo; thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Hội Nhà báo vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo tinh thần Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”, Chỉ thị 43 - CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới".
Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ cho rằng, để quản lý những cá nhân là hội viên Hội Nhà báo và không phải là hội viên Hội Nhà báo một cách hiệu quả, cần quy định rõ các cơ quan, tổ chức kiểm tra, giám sát người làm báo.
Cụ thể, cơ quản lý nhà nước phối hợp Hội Nhà báo quản lý hồ sơ và thông tin nhà báo đầy đủ chính xác; số hóa và lưu trữ dữ liệu để quản lý tập trung, thuận lợi cho tra cứu và thống kê; kịp thời phát hiện nhà báo vi phạm hoặc không còn hoạt động báo chí để xử lý phù hợp; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới về báo chí, công nghệ, pháp luật; phát huy vai trò giám sát, khen thưởng và xử lý vi phạm kịp thời; có cơ chế phát hiện, tiếp nhận phản ánh về sai phạm đạo đức của nhà báo; ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, thông tin hai chiều giữa cơ quan chủ quản, cơ quản lý và người làm báo.
Hoạt động báo chí cần dựa trên bộ tiêu chí cơ bản gồm: Trung thực và chính xác; khách quan và công bằng; không xâm phạm đời tư, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, bảo vệ người yếu thế; phục vụ lợi ích công cộng, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, không lợi dụng nghề báo để vụ lợi cá nhân; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, không nhận bất kỳ lợi ích nào để đổi lấy việc đưa tin thiên vị.
*Cụ thể hóa tôn chỉ, mục đích
![]() |
Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị góp ý Luật Báo chí sửa đổi |
Ảnh: Nguyễn Văn Lý - TTXVN |
Theo nhà báo Phan Thanh Bình, Báo Công an nhân dân thường trú tại Quảng Trị, Luật Báo chí sửa đổi cần cụ thể hóa, lượng hóa tôn chỉ, mục đích của từng tạp chí, tờ báo, cơ quan báo chí. Về vấn đề này khoản 4, Điều 14 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi quy định: “Cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép hoạt động báo chí và nhiệm vụ được giao”.
Thực tế thời gian qua, cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương đã không ít lần phát hiện sai phạm và xử phạt người làm báo và cơ quan chủ quản hoạt động sai tôn chỉ, mục đích khi chạy theo tin tức giật gân, đi sâu vào các lĩnh vực không thuộc phạm vi hoạt động, đăng tải thông tin không kiểm chứng.
Nhiều vụ việc sai phạm của các phóng viên, nhà báo và cơ quan chủ quản, nhất là ở một số tạp chí còn bị xử lý hình sự khi có hành vi trục lợi. Việc một số tờ báo, tạp chí không tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã gây ra nhiều hệ lụy như: làm suy giảm niềm tin của công chúng vào báo chí chính thống; gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội; làm sai lệch chức năng giáo dục, định hướng và phản biện xã hội của báo chí.
Từ thực tế này, Luật Báo chí sửa đổi cần có quy định chặt chẽ trong cấp phép và kiểm tra, giám sát cơ quan báo chí. Việc cấp phép cần được rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt với các tạp chí chuyên ngành. Sau khi cấp phép, cần kiểm tra định kỳ việc tuân thủ tôn chỉ trong nội dung, chuyên mục, đề tài. Quy định rõ, cụ thể trách nhiệm người đứng đầu mà cụ thể là Thủ trưởng cơ quan báo chí, Tổng biên tập các báo, tạp chí phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc định hướng nội dung đúng tôn chỉ; đồng thời kiểm soát hoạt động phóng viên, cộng tác viên; xử lý nghiêm, “không có vùng cấm” các trường hợp sai phạm tôn chỉ, mục đích, công khai kết quả xử lý để răn đe, tạo sự công bằng và minh bạch trong môi trường báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong việc quản lý nội dung báo chí, phát hiện tự động các sai phạm tôn chỉ, sai phạm về nội dung, đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích không chỉ là yêu cầu bắt buộc của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm tự thân của mỗi cơ quan báo chí./.