Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó đáng chú ý là các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, dự thảo Nghị quyết xây dựng về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng: Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; đề nghị các cơ quan rà soát để xây dựng dự thảo Nghị quyết gọn, rõ, tập trung vào những nội dung đột phá, mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
Trong xây dựng dự thảo Nghị quyết lưu ý phải thay đổi tư duy: Nhà nước kiến tạo thay vì kiểm soát; tư duy điều hành cần chuyển từ "quản lý - kiểm soát" sang "kiến tạo - phục vụ". Nhà nước không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào vận hành của doanh nghiệp. Sự bảo đảm về pháp lý và hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chính là cách Nhà nước đồng hành cùng tư nhân trên hành trình phát triển.
Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật, không chỉ các luật đã ban hành mà cả các luật đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9; rà soát kỹ các đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách trong thực tiễn./.
Tạo "cú hích" giải phóng nguồn lực của kinh tế tư nhân |