Thông điệp hòa bình từ diễn đàn ICAPP lần thứ 12
Ngày 23/11, tại Cung 7/1, Trụ sở Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) ở thủ đô Phnom Penh, diễn ra phiên bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP-12) với chủ đề "Tìm kiếm hòa bình và hòa giải".

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ICAPP-12 do CPP lần thứ hai đăng cai tổ chức từ ngày 21 - 24/11, có sự tham dự của 260 đại biểu thuộc các đảng chính trị đến từ 49 quốc gia châu Á, châu lục khác và một các tổ chức khu vực, quốc tế. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn tham dự hội nghị.

Hội nghị nhìn nhận, đánh giá lại những hoạt động của ICAPP trong giai đoạn 2022-2024, tập trung thảo luận về vai trò, biện pháp tăng cường hợp tác giữa các đảng chính trị để đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các điểm nóng, xung đột hiện nay tại khu vực và trên thế giới.

Hội nghị nhất trí thông qua “Tuyên bố Phnom Penh” bày tỏ quan ngại sâu sắc về những bất ổn, bất bình đẳng trong cấu trúc chính trị và quản trị toàn cầu; cho rằng sự đối đầu của các nước lớn, xu thế phi toàn cầu hóa, những vấn đề kinh tế - xã hội là nguồn gốc làm tổn hại môi trường hợp tác, cùng phát triển trong quan hệ quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các đảng chính trị và các nước trong việc giải quyết bền vững và toàn diện các thách thức đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế; kêu gọi ngăn chặn và xoa dịu xung đột; tăng cường vai trò trung gian, hòa giải; chú trọng vào công tác tái thiết và xây dựng đất nước hậu xung đột; tăng cường hợp tác khu vực, tiểu khu vực và ủng hộ những hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ) trong việc bảo đảm hòa bình, hòa giải và phát triển.

Tại ICAPP-12, đồng chí Trần Thanh Mẫn có bài phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự cuộc họp Ủy ban Thường trực ICAPP-42, thảo luận việc sửa đối Hiến chương ICAPP; dự các cuộc họp Hội đồng Văn hóa lần thứ 3, Diễn đàn Truyền thông ICAPP lần thứ 7; tham gia thảo luận bàn tròn giữa các đảng chính trị từ châu Phí, châu Mỹ - Latinh và châu Âu.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể ICAPP-42, đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của quan hệ đối ngoại đảng và các diễn đàn đa phương chính đảng; đánh giá cao những thành tựu mà ICAPP đã đạt được trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là Uỷ viên Uỷ ban Thường trực ICAPP, sẽ tiếp tục tích cực, chủ động đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược của ICAPP trong việc kiến tạo môi trường an ninh, hòa bình, ổn định, vì sự phát triển và thịnh vượng chung tại khu vực.

Phát biểu tại họp báo kết thúc ICAPP-12, ông Sous Yara, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Trưởng Ban Thư ký Ban tổ chức ICAPP-12, nhấn mạnh chủ đề "Tìm kiếm hòa bình và hòa giải" của diễn đàn lần này, cho rằng hòa bình đòi hỏi sự tham gia thiết thực và cần một Hiến chương hòa bình toàn cầu. Trong đó, bao gồm ngăn chặn xung đột, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, xây dựng đất nước hậu xung đột và ứng phó với khủng hoảng nhân đạo, mang lại công bằng trong giai đoạn chuyển tiếp, giải pháp hướng tới tương lai chung sống hòa bình giữa con người với con người, cũng như giữa con người với máy móc và công nghệ.

Trong khuôn khổ ICAPP-12, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các đảng chính trị nhiều nước nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đảng đối tác trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết là là thành viên của ICAPP, Việt Nam đã tham gia tất cả các kỳ hội nghị của diễn đàn này. Khẳng định việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự ICAPP-12 một mặt thể hiện sự coi trọng vai trò của nước chủ nhà Campuchia, mặt khác cũng thể hiện vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực để có thể phát huy vai trò và đóng góp của mình cho những vấn đề toàn cầu và khu vực, vì một thế giới hòa bình và vì hạnh phúc của nhân loại”.

ICAPP là diễn đàn quốc tế lớn nhất của các đảng chính trị ở khu vực châu Á và cũng là diễn đàn đa phương chính đảng lớn nhất thế giới, được thành lập tháng 9/2000 tại Philippines. Mục tiêu của ICAPP là thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các đảng chính trị tại châu Á và châu Đại Dương, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các dân tộc và các quốc gia; thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng thông qua vai trò đặc biệt của quan hệ kênh Đảng.

ICAPP hiện có hơn 350 chính đảng thuộc 52 nước và 1 lãnh thổ có đủ tư cách tham gia các hoạt động của ICAPP. Các chủ đề thảo luận chính của ICAAP tập trung vào các nội dung nâng cao hợp tác khu vực và tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định, vì sự phát triển thịnh vượng chung tại châu Á.

Trong những năm gần đây, ICAPP không ngừng nâng cao vị trí và ảnh hưởng tại khu vực, đồng thời khẳng định vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa các chính đảng châu Á với các đối tác ở các khu vực khác trên thế giới.

Với vị thế là cơ chế đa phương chính đảng lớn nhất ở châu Á, các chính đảng ngày càng coi trọng vai trò của ICAPP, đồng thời gia tăng ảnh hưởng và tranh thủ ICAPP, nhất là thông qua việc đăng cai tổ chức các hoạt động của ICAPP để gia tăng vị thể đối nội và đối ngoại./.

Huỳnh Thảo - Quang Anh

Tin cùng chuyên mục

Nhiều giải pháp đẩy nhanh gói tín dụng cho nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, trong quý III/2024, cả nước không có dự án nhà ở xã hội (NOXH) nào được hoàn thành toàn bộ, chỉ có 1 dự án hoàn thành 1 phần. Một trong những nguyên nhân đó là việc gói tín dụng 120.000 tỷ dành cho phân khúc nhà ở này được triển khai khá chậm. Hiện cả nước mới có 52 dự án đủ điều kiện vay.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy giải quyết các vấn đề cấp bách

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Chương trình sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Mục tiêu nhằm tăng cường đầu tư công quốc gia hướng đến giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy trong tình hình mới.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số

Sáng 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.