Để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu.
Cụ thể, các cấp, ngành tăng cường gắn kết quy hoạch nông thôn và quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái; tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Nông dân xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên thu hái chè. |
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Trong giai đoạn mới, tỉnh củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số, mở rộng thị trường. Thái Nguyên thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lực lượng lao động trẻ gắn với nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, quan tâm đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa gắn với hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại Thái Nguyên tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân đạt 3,8%/năm. Cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Tỉnh tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực, lợi thế, đặc sản của địa phương. Năng suất lao động nông nghiệp ngày càng tăng, bình quân đạt 9,4%/năm. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đạt 18,6%. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển.
Sản phẩm tương Úc Kỳ ở làng nghề tương xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2018. |
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Đến nay, Thái Nguyên có 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 3 huyện (Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa) đạt chuẩn nông thôn mới, 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 93,7% tổng số xã trên địa bàn), 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Tuy vậy, quá trình triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW tại Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: Ở một số nơi, người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động, tích cực vươn lên thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của một bộ phận người dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Kinh tế tập thể tăng về số lượng nhưng quy mô nhỏ; năng lực, trình độ của đội ngũ quản lý của các hợp tác xã còn hạn chế. Do đó, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn yếu, chưa bền vững... Nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở trong việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Ở một số địa phương, đất đai phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc tích tụ, thu hút đầu tư, liên kết sản xuất quy mô lớn.../.