Thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp |
Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hôi nhập quốc tế sâu rộng.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là yêu cầu tất yếu của thực tiễn.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần bổ sung và làm rõ hơn phạm vi sửa đổi, danh mục các điều dự kiến tác động và nguyên tắc chỉ đạo thực hiện.
Một số ý kiến cho rằng, việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là bước quan trọng. Tuy nhiên, nội dung Nghị quyết nên xác định rõ tiêu chí thành phần, thời hạn và cơ chế lấy ý kiến nhân dân để bảo đảm tính dân chủ và khoa học trong quá trình sửa đổi; đề nghị bổ sung nội dung về cơ cấu Ủy ban; làm rõ thành phần Ủy ban cần bao gồm đại diện: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, giới khoa học pháp lý, các địa phương; trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân công khai, nhiều hình thức; công bố dự thảo rộng rãi; đảm bảo tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Để việc sửa đổi Hiến pháp lần này đáp ứng kỳ vọng lớn lao của cử tri và nhân dân cả nước, thể hiện trách nhiệm lịch sử của Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để dân biết, dân bàn, dân góp ý, đồng thời dân phải đồng thuận cao. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán; Hiến định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước, xây dựng nền hành chính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tái định hình tư duy quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chiều nay, với 452/452 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,56% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Với 446/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,31% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.