Theo Hiệp định khí hậu Paris, các bên nhất trí sẽ giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, so với thời tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu của hiệp định đang có nguy cơ bị bỏ lỡ. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tăng cường nỗ lực toàn cầu trong giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng công bằng; đồng thời đối thoại về hành động khí hậu trước thềm COP30.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới đang sống trong thời điểm mà biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ mà đã là thực tại khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia, mọi người dân. Trong bối cảnh đó, thế giới cần có tư duy, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, bao trùm. Các quốc gia cần đoàn kết, hợp tác, đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo công bằng, công lý và chung tay cùng hành động bằng các cơ chế hợp tác cụ thể, thực chất, khả thi. Đặc biệt, nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cần được khơi thông, giải phóng.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; xác định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, động lực đột phá và ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, kiên quyết “không hi sinh bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, đóng góp 2/3 tổng sản lượng điện gió, điện mặt trời của ASEAN; là điển hình tốt, được quốc tế đánh giá cao về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững, với các dự án tiêu biểu như dự án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp; đồng thời là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hầu hết các cơ chế đa phương và sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng như: Thỏa thuận Paris về khí hậu, Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu P4G…Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết kiên định với mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050 và phát huy tinh thần 3 sẵn sàng là “sẵn sàng tham gia, sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng dẫn dắt”. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế để cùng nhau chia sẻ công nghệ, huy động tài chính xanh, chuyển giao tri thức… hướng tới những kết quả tích cực, thực chất tại Hội nghị COP30 ở Brazil. Thủ tướng kêu gọi tất cả các quốc gia hãy đoàn kết, chung tay và quyết liệt hành động khí hậu; vì một hành tinh đáng sống cho toàn nhân loại; vì lợi ích phát triển bền vững và trường tồn của các dân tộc; vì sự hạnh phúc và ấm no của mọi người dân./.