Tinh gọn bộ máy: Con đường tất yếu, không thể chậm trễ |
Lịch sử không chờ đợi những người chần chừ. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu lực quản trị và cải cách thể chế, việc tinh gọn tổ chức bộ máy không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu. Và chính thực tiễn đã trả lời cho câu hỏi: có nên cải cách bộ máy không? Nhiều địa phương sau khi thực hiện thí điểm sáp nhập xã, huyện đã ghi nhận chuyển biến tích cực. 5 năm trước, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh thực hiện chủ trương sáp nhập vào thành phố Hạ Long.
Trong 5 năm qua, nhiều tuyến đường, cây cầu được xây mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng Hoành Bồ cũ mà còn giúp rút ngắn khoảng cách giữa khu vực thủ phủ Hạ Long với các khu vực vùng núi xa hơn; giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Qua 5 năm mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển, thành phố Hạ Long luôn duy trì đà tăng trưởng cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Dịch vụ du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những kết quả đạt được là minh chứng rõ nét, hiệu quả cho quyết sách sáp nhập, mở rộng không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Một trong những rào cản lớn nhất trong quá trình phát triển lâu nay chính là tình trạng “cát cứ hành chính”, “tư duy địa phương”. Chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, tái cấu trúc địa giới hành chính là để phá bỏ những “bức tường vô hình” ấy. Tổng Bí thư Tô Lâm, trong một phát biểu gần đây, đã khẳng định: khi sáp nhập được triển khai đúng, khoa học và hợp lý, thì không chỉ giảm chi phí mà còn tạo ra động lực phát triển mới – nơi các địa phương có thể bổ sung cho nhau về lợi thế, hỗ trợ nhau về nguồn lực, phối hợp nhau về chiến lược.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Nam Bộ (Từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đắk Nông) từ 22 tỉnh, thành phố xuống còn 9 tỉnh, thành phố. Điều này tạo nên không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt đã tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng-đồng bằng-biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương; tạo động lực mới để một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sẽ không chỉ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cùng Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng", nhằm phát huy tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn tổng các phần. Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, tạo thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Hay quay ngược trở lên các địa phương miền núi Đông Bắc, khi sáp nhập tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái là một, tỉnh sẽ có diện tích tự nhiên gần 13.257km2, quy mô dân số gần 1,78 triệu. Sau sáp nhập, sẽ hình thành “vành đai di sản” kéo dài từ đỉnh Fansipan đến lòng hồ Thác Bà, tạo ra vùng du lịch trọng điểm. Việc sáp nhập hai tỉnh này được đánh giá là phép cộng chiến lược về du lịch.
Nếu cải cách chậm, chi phí duy trì bộ máy cồng kềnh sẽ ngày càng lớn. Nếu chần chừ, động lực tăng trưởng sẽ tiếp tục bị kìm hãm bởi những vướng mắc về thể chế, tổ chức. Quan trọng nhất, nếu không bắt kịp thời cơ, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhịp phát triển chiến lược đang mở ra trước mắt. Sự quyết tâm của Đảng, sự đồng thuận của dân, và những tín hiệu tích cực từ thực tiễn là những yếu tố đủ để tạo nên một cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Và đó là con đường không thể lùi bước.