Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam mong muốn đóng góp vào các nỗ lực chung vì hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp từ ngày 4-5/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết trên tạp chí Influences. TTXVN trân trọng đăng tải toàn văn nội dung bài viết:

"Ý tưởng về một không gian kinh tế Pháp ngữ đã ra đời tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội từ ngày 14 - 16/11/1997 - hội nghị cấp cao đầu tiên được tổ chức tại khu vực châu Á –Thái Bình Dương. Cùng với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ, hội nghị này đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Pháp ngữ từ khuôn khổ hợp tác về văn hóa thông qua ngôn ngữ chung là tiếng Pháp sang hợp tác toàn diện cả về chính trị và kinh tế.

Không gian Pháp ngữ, với dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20% thương mại toàn cầu, là một mảnh đất đầy tiềm năng cho hợp tác kinh tế. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và chủ động tham gia các nỗ lực của Pháp ngữ nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, vì sự phồn vinh và phát triển bền vững của các thành viên.

Năm 2023, với quy mô GDP khoảng 430 tỷ USD, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới. Từ một nước thiếu lương thực, đến nay, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số những nền kinh tế mở nhất thế giới, với kim ngạch thương mại hơn 735 tỷ USD, tham gia 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với hầu hết các đối tác lớn trên thế giới... Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên của Pháp ngữ còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới. Đầu tư của các nước Pháp ngữ đến Việt Nam và từ Việt Nam đến các nước Pháp ngữ cũng chưa tương xứng với tiềm năng, trong khi nền kinh tế của chúng ta hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau trong chuỗi cung toàn cầu.

Do đó, phát huy những tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong hợp tác Pháp ngữ những năm tới đây.

Với những thành quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang cùng một số thành viên Pháp ngữ châu Phi triển khai hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên một cách hiệu quả. Hợp tác trong lĩnh vực này cần được thúc đẩy hơn nữa, nhất là với sự tham gia của các quốc gia phát triển trong Pháp ngữ. Hợp tác về nông nghiệp sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ.

Cùng với đó, chúng ta cần khai thác thêm tiềm năng hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc Pháp tổ chức Diễn đàn FrancoTech bên lề hội nghị cấp cao là một sáng kiến thiết thực và hữu ích. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Pháp ngữ cần tạo cơ hội để các quốc gia, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác về các công nghệ mới và tiên phong, trong đó có trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Chúng tôi mong muốn các thành viên phát triển Pháp ngữ hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về các ngành công nghệ mới nổi.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cần phát huy hơn nữa vai trò trong thúc đẩy các chiến lược, dự án, chương trình hợp tác kinh tế Pháp ngữ. Bên cạnh đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ là cầu nối thúc đẩy các hoạt động hợp tác, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Pháp ngữ, tăng cường hơn nữa thương mại, đầu tư giữa các thành viên Pháp ngữ.

Những nhiệm vụ trên cần được thực hiện đồng thời với việc tiếp tục thúc đẩy phổ biến, giảng dạy tiếng Pháp. Tiếng Pháp cần phải trở thành ngôn ngữ của kinh doanh, sáng tạo, tri thức, đổi mới và khởi nghiệp. Đó chính là điều bảo đảm cho sự sống động và tính gắn kết của ngôn ngữ tuyệt vời này.

Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ cũng như đóng góp vào các nỗ lực chung của Pháp ngữ vì hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ."/.

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Pháp

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973 và năm 2013, Việt Nam - Pháp ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp

Đúng 21 giờ 45 phút ngày 3/10 (theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Orly, thủ đô Paris, Pháp, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3-7/10, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội

Sáng 4/10, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 18 - kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Kỳ họp diễn ra trong 1 ngày và dự kiến xem xét 20 nội dung, trong đó có 05 nội dung quy phạm pháp luật, 15 nội dung chuyên đề.

Các tổ chức quốc tế tin tưởng vào sức mạnh của kinh tế Việt Nam

Bất chấp những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra cho nước ta (mà theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ảnh hưởng tới 0,15% tăng trưởng GDP trong năm nay), các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những "cơn gió ngược".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt doanh nghiệp Ireland

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland, sáng 3/10, tại thủ đô Dublin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp mặt doanh nghiệp Ireland. Hoạt động này do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, kiêm nhiệm Ireland, Tổ chức Doanh nghiệp Ireland trực thuộc Chính phủ Ireland và Phòng Thương mại thành phố Dublin tổ chức. Chủ tịch, tổng giám đốc, lãnh đạo 15 tập đoàn lớn nhất Ireland, quan tâm và đầu tư vào Việt Nam, tập trung 4 lĩnh vực hợp tác mũi nhọn, đầy tiềm năng bao gồm: công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp – năng lượng, y tế tham dự.

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các công trình trọng điểm

Chiều 03/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.

70 năm giải phóng Thủ đô: Hai trận chiến đấu lịch sử của quân và dân Hà Nội

Quân và dân Thủ đô Hà Nội mãi tự hào với hai trận chiến đấu lịch sử: 60 ngày đêm cùng toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 17/2/1947) và 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không (18 - 29/12/1972). Hai trận chiến đấu này đã ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi, là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân, là biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.