Trà Việt được vinh danh trên đất Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ Hội chợ các sản phẩm khách sạn nhà hàng tại thủ đô Paris, chiều 4/11, Tổ chức Nâng cao Giá trị Nông sản (AVPA) của Pháp đã tổ chức lễ trao giải "Les Thés du Monde" (Trà Thế giới). Mười sản phẩm trà Việt Nam đã nhận được giải thưởng của hiệp hội danh giá này, trong đó có 1 giải Vàng, 1 giải Bạc, 2 giải Đồng và 6 giải Khuyến khích.

Trà hương gia vị hòa hương chanh Sense Memory (giải Vàng), trà hương hoa và mật ong Be Better (giải Bạc), trà vàng Flying Red Dragon và trà lên men Hoang Lien Son Memory (Giải Đồng) là 4 trong số 10 loại trà Việt Nam được vinh danh trong lễ trao giải của AVPA. Chín trong số các giải thưởng này thuộc về công ty Sobica Sodeli, nâng tổng số giải thưởng mà doanh nghiệp này nhận được trong các cuộc thi về trà thế giới lên đến 45 giải. Sáu trong số các loại trà đoạt giải là kết quả của sự hợp tác giữa doanh nghiệp này với Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn trong nỗ lực quảng bá dòng trà Shan cổ thụ Sapa tỉnh Lào Cai và dòng trà Ô long Mộc Châu tỉnh Sơn La. Thành công này khẳng định bước đi vững chắc của một doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp trên hành trình sáng tạo các sản phẩm trà sức khỏe chất lượng cao, đồng thời thể hiện hướng đi đúng đắn của Sobica Sodeli trong việc đồng hành cùng các đối tác sản xuất trà trong nước trên hành trình lan tỏa danh trà Việt Nam ra thế giới.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về bí quyết thành công, bà Vũ Thị Thu Hằng, Chủ tịch công ty Sobica Sodeli, cho biết để trà Việt Nam trở thành sản phẩm có bản sắc, có tên tuổi trên trường thế giới, cần phải thay đổi tư duy sản xuất, trong đó chú trọng việc làm nổi bật hương vị đặc biệt của trà và kết hợp hương liệu để tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thị hiếu thưởng thức của người tiêu dùng. Với mong muốn tạo ra nhiều loại trà khác nhau phục vụ khách Pháp, bà Thu Hằng đã làm việc với các nghệ nhân ở Việt Nam, thử nghiệm các lô trà nhỏ để tạo ra các thương hiệu như Tây Côn Lĩnh của Hoàng Liên Sơn, Cao Bồ của Hà Giang và năm nay là các sản phẩm của Lào Cai với sự phối hợp của nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, trong sản phẩm trà lên men và trà vàng, đặc biệt quý hiếm và tốt cho sức khỏe, được nhiều khách hàng Pháp ưa thích.

Quyết tâm theo đuổi hành trình chất lượng, Sobica Sodeli luôn phấn đấu góp phần thúc đẩy sự năng động cho các thị trường trà nội địa tại Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu đến các thị trường quốc tế mới có yêu cầu khắt khe. Bày tỏ mong muốn cùng chung sức với bà con nông dân và các nghệ nhân trong nước để giúp trà Việt Nam được cảm nhận và yêu thích không chỉ với người Việt mà cả người Pháp, bà Thu Hằng bày tỏ: "Người Pháp dành cho rượu vang nhiều tình cảm, nhưng chưa dành cho trà những tình cảm như thế. Nhưng nếu chúng ta cùng nhau giới thiệu sản phẩm đặc biệt có hương vị truyền thống, có bàn tay lao động cần cù của người nông dân để làm nổi bật hương vị đó, cùng các doanh nghiệp nhiệt tình giới thiệu sản phẩm trà tới người tiêu dùng Pháp và châu Âu, thì trà Việt Nam cũng sẽ trở thành sản vật quý như rượu vang của Pháp".

Tuy không thể sang Pháp dự lễ trao giải, nhưng với vai trò là nhà sản xuất trực tiếp ra các sản phẩm trà đạt giải, nghệ nhân Cao Sơn, người đã từng tổ chức tiệc trà cho nghi lễ đón tiếp các đoàn khách đối ngoại cấp cao của Việt Nam, bày tỏ vinh dự khi thấy các sản phẩm trà Việt Nam được xướng tên tại cuộc thi Trà Thế giới AVPA Paris 2024. Ông mong muốn "đến nhiều vùng trà mới của Việt Nam, làm ra nhiều thức trà đặc biệt để giới thiệu những sản phẩm trà đặc biệt của Việt Nam tới người yêu trà khắp thế giới".

Chia sẻ ấn tượng về sự phong phú và đa dạng của trà Việt, bà Carine Baudry, Chủ tịch Ban giám khảo cuộc thi Trà thế giới 2024 của AVPA, bày tỏ mong muốn thấy trà Việt Nam tiếp tục gặt hái các giải thưởng trong các mùa thi tới. Bà nhấn mạnh: "Sự trù phú của đất nước Việt Nam tạo ra sự đa dạng của các vùng trồng chè từ miền núi đến đồng bằng, mang lại sự phong phú từ màu sắc đến các loại trà. Người châu Âu chúng tôi đánh giá cao chất lượng cũng như hương vị phong phú của trà Việt Nam".

Về phần mình, ông Philippe Juglar, Chủ tịch tổ chức AVPA, cho biết Việt Nam đã mang lại cho ông những trải nghiệm tuyệt vời với trà và cà phê. Ông bày tỏ: "Đất nước các bạn có những sản phẩm tuyệt vời và tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các sản phẩm Việt Nam tham dự giải thưởng AVPA hàng năm". Còn anh Anton Tourtier, một khách tham dự sự kiện, thì cho rằng sự phong phú của trà Việt Nam chưa được thế giới biết đến nhiều lắm cho nên việc mang sản phẩm đến tham dự một giải thưởng quốc tế như của AVPA là ý tưởng hay để giúp cho các sản phẩm trà Việt được giới thiệu tới đông đảo công chúng và giải thưởng chính là một sự đảm bảo về giá trị sản phẩm.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, cuộc thi "Les Thés du Monde" của AVPA nhằm công nhận các loại trà và trà thảo dược có giá trị ẩm thực thực sự vượt xa việc tiêu thụ sản phẩm đóng gói thông thường. Ngoài các loại trà có nguồn gốc truyền thống từ Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka..., cuộc thi còn cho phép khách thưởng trà khám phá các sản phẩm mới, sáng tạo đến từ châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á và thậm chí cả châu Âu.

Theo nghiên cứu của tổ chức Research and Markets, mức tăng trưởng của ngành trà ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống trà có lợi cho sức khỏe. Dự kiến thị trường trà toàn cầu sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025, vượt xa con số 24,3 tỷ USD ghi nhận trong năm 2016. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu trà, đứng thứ 7 về sản xuất trà toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu trà Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD. Sản phẩm trà của Việt Nam hiện đã có mặt tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam cũng cho biết tính đến nay, Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng trà với tổng diện tích 123.000 ha, năng suất bình quân đạt gần 95 tạ/ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn trà búp tươi./.

Nguyễn Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Bắt kịp xu hướng để dệt may Việt Nam vươn xa

Trong những năm qua, ngành dệt may nước ta đã tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để lấp dần khoảng trống do phần cung thiếu hụt, chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng hàm lượng sáng tạo. Những nỗ lực này là cơ sở để ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu vươn lên thứ hạng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là việc đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu xanh toàn cầu để giữ vững lợi thế của một ngành đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước.

Kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 (14/8/2024) đến nay

Ngày 30/10/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (ngày 14/8/2024) đến nay và chủ trương xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.  

Nhận diện: Sự thật về luận điệu “quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ngày càng được hoàn thiện, góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Chủ trương đó không phải là khẩu hiệu suông như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thế nhưng các đối tượng chống phá chưa bao giờ ngừng đơm đặt, dựng chuyện và xuyên tạc rằng: “Ở Việt Nam quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”. Sự thật lịch sử và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam đã bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, chống phá đó.

Đổi mới giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Uỷ ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Mốc lịch sử mở đường lớn sang Trung Đông

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác thăm, làm việc tại 3 nước Trung Đông gồm Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Vương quốc Saudi Arabia và Nhà nước Qatar. Nếu như các chuyến đi cuối năm 2023 được coi là bước khai mở cho giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, thì chuyến công tác lần này của Thủ tướng tới UAE, Saudi Arabia, Qatar như là khúc dạo đầu ngọt ngào để bước vào thời kỳ tăng tốc, bứt phá.

Thi công xuyên đêm trên cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Hiện nay, 4/4 mỏ cát mà UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu cho nhà thầu đã đưa vào khai thác để cung ứng cho Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, khó khăn lớn nhất về nguồn cát san lấp được tháo gỡ. Cát về công trình, nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực và tổ chức thi công thêm vào ban đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án đúng kế hoạch.   

Sức sống mới nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL

Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 52% là đồng bào Khmer và 17% là đồng bào Hoa. Những năm gần đây, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào nơi đây không ngừng khởi sắc.

Xelex Việt Nam ra mắt sản phẩm công nghệ mới tại thị trường Mỹ

Sáng 30/10 (giờ địa phương), tại công ty công nghệ Practical, bang Maryland (Mỹ) đã diễn ra buổi giới thiệu sản phẩm máy tính xách tay/máy tính bảng mang tên Latimer do Tập đoàn Xelex của Việt Nam thiết kế và sản xuất. Đây là sản phẩm công nghệ kết hợp giữa các nhà sáng tạo Mỹ và Việt Nam, qua đó phản ánh năng lực ngày càng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.