Ứng dụng công nghệ số xây dựng nông thôn mới thông minh
Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Người dân quét mã QR trên bảng niêm yết bộ thủ tục hành chính để tra cứu thông tin. 
Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN

Xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) là một trong những địa phương tiên phong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Nhơn Hải được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Đây là tiền đề quan trọng để xã không ngừng tập trung hoàn thiện các tiêu chí như, tăng thu nhập bình quân đầu người, triển khai “thôn thông minh” và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu (văn hóa - du lịch) để đạt mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Xã quyết định chọn thôn Hải Bắc để triển khai mô hình điểm “thôn thông minh”. Thôn như khoác lên mình diện mạo mới khi được đầu tư, nâng cấp về hạ tầng viễn thông, được trang bị mạng wifi miễn phí với tốc độ cao 300Mbps; quan tâm xây dựng “tuyến đường 4.0” với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại trục đường chính trong thôn. Ngoài ra, một bảng tin điện tử công cộng được lắp đặt tại trung tâm thôn, giúp người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh Duy Tân, chủ nhà nghỉ Sao Mai ở thôn Hải Bắc chia sẻ, có thể nhận thấy rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích. Nó giúp giao dịch thuận tiện và nhanh chóng, đảm bảo độ tin cậy, an toàn, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Bí thư Chi bộ thôn Hải Bắc Nguyễn Bá Sum cho hay, thôn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là đội ngũ đóng vai trò quan trọng, lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, gần dân, sát dân, “cánh tay nối dài” để đưa nền tảng số, công nghệ, kỹ năng số đến từng gia đình, người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người”, Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Hải Bắc tích cực hướng dẫn, giúp người dân cài đặt và sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng tiện ích như, VNeID, Bình Định Smartcity, các nền tảng thương mại điện tử (Postmart, Lazada, Shopee), tạo mã QR miễn phí cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ…

Qua thống kê, đến nay, 267/267 hộ dân trong thôn đều sử dụng điện thoại thông minh. Hơn 91% số người trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh để truy cập mạng thực hiện giao dịch điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải thông tin, thời gian qua, xã thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 12 của Thành ủy Quy Nhơn về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Quy Nhơn đến năm 2025". Đến nay, xã đã niêm yết công khai 41 mã QR tương ứng 160 thủ tục hành chính giúp người dân dễ dàng tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến mà không cần đến trực tiếp cơ quan nhà nước như trước.

Người dân chỉ cần quét mã có thể truy cập, tra cứu thủ tục hành chính từ Cổng dịch vụ công Bình Định. Điều này làm tăng tính minh bạch trong hoạt động hành chính, giúp xã thuận tiện hơn trong việc theo dõi, kiểm soát quy trình xử lý hồ sơ. Bên cạnh đó, còn thể hiện quyết tâm của xã trong xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025 đạt kết quả, UBND tỉnh yêu cầu, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 9/8/2022 của UBND tỉnh.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 96/113 xã); trong đó, có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 39/96 xã đạt chuẩn) và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 10/96 xã đạt chuẩn). Có 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND tỉnh quy định. Đặc biệt không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của nông dân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020…

Giai đoạn 2021-2025, với sự đồng hành, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đông đảo tầng lớp nhân dân, toàn tỉnh có 91 xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt hơn 80%; 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt hơn 26% và một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt hơn 54,5%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực

Trang tin chứng khoán, dữ liệu kinh tế, tài chính investing.com của Mỹ đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi trong tháng 11 năm nay, khi thặng dư thương mại tăng đáng kể đi đôi với tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng

Chiều 24/12/2024 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã đồng thuận thông qua Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”. Đây là lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Việc Liên hợp quốc lựa chọn Thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam - Liên hợp quốc. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.  

Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024

Sáng 25/12/2024, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức lễ trao giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024. Giải thưởng tôn vinh những tác giả xuất sắc, những tác phẩm báo chí ghi trọn những khoảnh khắc ấn tượng thông qua lăng kính nhiếp ảnh. Sau gần 2 tháng phát động (từ 24/10/2024 đến 30/11/2024), Giải đã nhận được 3.435 tác phẩm (trong đó có 2.930 tác phẩm ảnh đơn và 505 tác phẩm ảnh bộ) của 431 tác giả gửi đến dự thi. Ban Tổ chức đã chọn 22 tác phẩm xuất sắc để trao giải và trưng bày tại Lễ trao giải.  

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM NĂM 2024 DO TTXVN BÌNH CHỌN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời; Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt; Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp bản hùng ca của Tổ quốc; Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%; Siêu bão Yagi làm 345 người chết, mất tích; Thông qua chủ trương đầu tư, tái khởi động hai dự án quan trọng; Hoàn thành thần tốc công trình 500kV mạch 3; Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Khai trương mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn.  

Hải Phòng sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ngày 24/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.