Văn hóa soi đường: Áo dài - Cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Bỉ
Trong không gian trang trọng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, những tà áo dài thướt tha đã cùng nhau hòa nhịp, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc. Sự kiện ra mắt Câu lạc bộ (CLB) di sản áo dài Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã thực sự đánh thức niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người Việt xa xứ. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, với chủ đề "Áo dài miền hoa, miền di sản", chương trình đã mang đến một bữa tiệc thị giác tuyệt vời cho những người yêu áo dài. Các bộ sưu tập áo dài, từ những tà áo tứ thân cổ kính đến những mẫu áo dài hiện đại, đã được trưng bày một cách tinh tế, kể những câu chuyện về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, bộ áo dài Nhật Bình từ Huế và bộ sưu tập áo dài về hoa đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách mời.

Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn áo dài của những người mẫu không chuyên. Từng bước đi uyển chuyển, từng ánh mắt e ấp đã phác họa nên vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Hai chiếc áo dài đặc biệt mang hình ảnh lá cờ Việt Nam và lá cờ Bỉ được trưng bày trang trọng trên nền trống đồng cổ, như một biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Sự kiện được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB). Đây cũng là một trong những hoạt động của UGVB chào mừng 79 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945), 70 năm giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954), đồng thời hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng yêu thích áo dài.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Nguyễn Văn Thảo, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của áo dài trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Đại sứ chia sẻ: áo dài không chỉ là trang phục, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, là biểu tượng của vẻ đẹp và sự tinh tế của người phụ nữ Việt Nam. Việc thành lập CLB di sản áo dài tại Bỉ là một sáng kiến ý nghĩa, góp phần đưa hình ảnh áo dài đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Ông Huỳnh Công Mỹ - Chủ tịch UGVB, cho biết CLB ra đời với mục tiêu kết nối cộng đồng người Việt tại Bỉ, đồng thời quảng bá áo dài đến với bạn bè quốc tế. Ông nhấn mạnh mong muốn xây dựng một không gian văn hóa, nơi mọi người có thể cùng nhau tìm hiểu, khám phá và trân trọng giá trị của áo dài.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Audrey Lhoest - Quận phó Ixelles, một quận tập trung đông đảo người Việt sinh sống và học tập, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp của áo dài và ý nghĩa của sự kiện. "Đây là một hoạt động văn hóa rất ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm đời sống cộng đồng tại Ixelles. Tôi hy vọng rằng câu lạc bộ sẽ ngày càng phát triển và tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn hơn nữa", bà Lhoest nói.

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, nhiều người Việt xa xứ đã không giấu được niềm xúc động khi được cùng nhau diện áo dài truyền thống. Chị Đào Thu Hằng, người khởi xướng ý tưởng thành lập CLB, chia sẻ CLB sẽ là cầu nối để người Việt Nam cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng một cộng đồng yêu áo dài, nơi mọi người có thể tự hào về nguồn cội của mình. Và hơn hết, sẽ cùng nhau hướng tới mục tiêu cao cả là ghi danh áo dài Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Anh Jean Luc Bronfort, một chàng rể Việt Nam điển hình, đã cùng gia đình nhỏ vượt hơn 100 km để đến tham dự sự kiện. Cả nhà đều diện những bộ áo dài truyền thống, tạo nên một hình ảnh thật đẹp.

"Tôi yêu Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Tôi rất thích mặc áo dài. Khi mặc trang phục này, tôi cảm thấy mình như được hòa mình vào văn hóa Việt Nam. Tôi hy vọng rằng câu lạc bộ sẽ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa để mọi người có cơ hội tìm hiểu về Việt Nam nhiều hơn", anh chia sẻ.

Sự kiện ra mắt Câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam tại Bỉ đã khép lại trong không khí ấm áp và tình cảm. Đây không chỉ là một buổi lễ ra mắt đơn thuần, mà còn là một thông điệp về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Áo dài, với vẻ đẹp tinh tế và giá trị văn hóa sâu sắc, sẽ tiếp tục đồng hành cùng người Việt trên khắp thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam./.

Hương Giang

Tin cùng chuyên mục

Văn hóa soi đường: Lan tỏa tình yêu tiếng Việt ở đất nước Triệu Voi

Hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn và Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào tổ chức Lễ tôn vinh tiếng Việt tại Lào năm 2024. Đây là chuỗi sự kiện quan trọng để từng bước đưa Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm trở thành dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam ở Lào.

Văn hóa soi đường: Lan tỏa hành trình ngôn ngữ Việt tại Brunei

Mặc dù mới được đưa vào giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Brunei (UBD) từ năm 2022, song cho đến nay lớp học tiếng Việt, do Tiến sĩ Trần Trọng Nghĩa phụ trách và giảng dạy, đã thu hút được gần 100 sinh viên nước ngoài, chủ yếu là người Brunei theo học.

Văn hóa soi đường: Sinh viên Italy tự hào làm sứ giả quảng bá văn hóa Việt

Tiếng Việt là nhịp cầu thân thương, nối Việt Nam với các nước trên thế giới. Cùng với sự lớn mạnh của quan hệ Việt Nam-Italy, các bạn trẻ Italy ngày càng quan tâm đến Việt Nam và tiếng Việt, với Bộ môn tiếng Việt đã được thành lập tại trường Đại học Ca’ Foscari thành phố Venice năm 2019 và sắp được thành lập tại trường Đại học Đông Phương Naples.

“Góc Việt Nam” - Điểm hẹn của kiều bào và bạn bè quốc tế tại thành phố Odessa (Ukraine)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, lễ khánh thành “Góc Việt Nam” tại thành phố Odessa của Ukraine diễn ra với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cùng đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa Nguyễn Như Mạnh cùng hơn 300 bà con và các cháu thiếu nhi đang sinh sống tại thành phố cảng này. Về phía Ukraine có Thị thưởng thành phố Odessa, ông Gennady Trukhanov, đại diện các cơ quan ban ngành thành phố, 26 đại diện cơ quan ngoại giao trên địa bàn thành phố cùng đông đảo người dân địa phương.

Văn hóa soi đường: Sức sống của tiếng Việt ở Pháp

Tiếng đánh vần ngọng ngịu trong một giờ học ở Trung tâm sinh hoạt cộng đồng Grand Parc của thành phố Bordeaux, giọng hát bi bô của những đứa trẻ vang lên trong phòng khách của chùa Liên Hoa, các cô giáo miệt mài hướng dẫn học sinh tập đọc, học viên người Việt, người Pháp cần mẫn đọc từng câu thoại... Đó là những hình ảnh rất đỗi thân quen ở trong các lớp học tiếng Việt ở Bordeaux, thành phố lớn thứ hai tại Pháp, sau Paris, nơi có đông đảo lượng người theo học tiếng Việt.

Sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt tại Lễ hội ManiFiesta (Bỉ)

Lễ hội ManiFiesta (Đoàn kết), sự kiện thường niên do đảng Lao động Bỉ (PTB) tổ chức, đã trở thành một điểm gặp gỡ quan trọng cho những người lao động và tầng lớp lao động trên toàn nước Bỉ. Diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua tại thành phố biển Ostende, lễ hội năm nay chào đón hơn 15.000 lượt khách tham quan, với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú.

Bão lũ không chỉ là 'chuyện của trời'

Đã có những thống kê bước đầu về những thiệt hại do bão số 3 (Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây) gây ra trong những ngày qua tại các tỉnh miền Bắc.

Kiều bào với khát vọng xây dựng đất nước

Với các chủ trương, chính sách, tình cảm và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ phát triển lớn mạnh về số lượng, vị thế, vai trò ở nước sở tại mà còn có những đóng góp bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, hướng về quê hương với khát vọng góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.