Việt Nam - Thị trường tiềm năng cho nội thất văn phòng Hàn Quốc
Ngày 29/9, Cảng vụ cảng quốc tế Incheon (IPA) của Hàn Quốc cho biết xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của nước này sang Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận những kết quả khả quan.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, IPA bắt đầu mở đường xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất văn phòng sang Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4 năm nay, và đến nay đã xuất khẩu 8 TEU (1 TEU tương đương với một container 20 feet). Dự kiến, lượng hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng khi thị trường nội thất văn phòng cao cấp tại Việt Nam mở rộng.

Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Statista dự đoán quy mô thị trường nội thất tại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm ấn tượng ở mức 8,7% cho đến năm 2027. Đặc biệt, với sự cải thiện trong các điều kiện kinh tế, ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam chú trọng đến chất lượng và mẫu mã đồ nội thất Hàn Quốc. Ngoài ra, việc các ngân hàng, công ty luật và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng thâm nhập thị trường Việt Nam đã góp phần gia tăng nhu cầu về nội thất văn phòng cao cấp của "xứ sở kim chi".

Để bắt kịp xu hướng này, IPA có kế hoạch triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm chi phí logistics, bao gồm các ưu đãi về khối lượng hàng hóa. Đồng thời, để tăng lượng xuất khẩu, IPA cũng đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với các công ty Việt Nam như các công ty vận tải biển, công ty logistics và công ty xuất nhập khẩu. Trước đó, văn phòng IPA tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc xuất khẩu sản phẩm qua cảng Incheon và phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam như Shopee và Lazada, tạo ra tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu lên tới 30 TEU.

Người đứng đầu bộ phận kinh doanh của IPA, Kim Sang Ki, cho biết việc xuất khẩu đồ nội thất văn phòng sẽ mở ra cơ hội để cảng Incheon trở thành kênh xuất khẩu chính cho mặt hàng này. Incheon sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty xuất nhập khẩu bằng cách giảm chi phí logistics và giải quyết các khó khăn trong quá trình xuất khẩu./.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội và những cây cầu

Hơn 120 năm trước, Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên nối hai bờ sông Hồng của Hà Nội, trở thành một phần lịch sử của thành phố. Những ngày mùa thu năm 1954, cây cầu đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô và đóng vai trò kết nối giao thương giữa hai bên bờ sông cho đến hôm nay. Nhiều cây cầu khác lần lượt ra đời những năm sau này tạo nên diện mạo mới ngày càng hiện đại hơn cho thành phố. Đó vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là điểm nhấn cho sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội.

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Ở một quốc gia trải dài từ Bắc đến Nam với gần 1.700 km như Việt Nam thì đường sắt luôn đóng vai trò chủ lực không chỉ vận chuyển hành khách, hàng hóa mà còn là huyết mạch của nền kinh tế. Nhiều năm nay, đường sắt đã có nhiều đổi mới nhưng với hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu thì tốc độ chạy tàu vẫn chưa được cải thiện. Với tốc độ chạy tàu như hiện nay thì đi từ Hà Nội đến Sài Gòn mất tới 34 giờ. Nhưng nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao thì thời gian được rút ngắn chỉ còn 5 giờ 30 phút. Và nhiều kỳ vọng đã đặt ra với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam này.

Dấu ấn các thương hiệu Việt tại Hội chợ CAEXPO

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc–ASEAN (CABIS) lần thứ 21 diễn ra từ ngày 24-28/9 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục là một trong các quốc gia có quy mô gian hàng tham gia nhiều nhất tại Hội chợ, chỉ sau nước chủ nhà Trung Quốc. Các thương hiệu Việt đã gây nhiều ấn tượng tốt tại hội chợ với hy vọng thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, cũng như các nước ASEAN.