Việt Nam và Belarus: Nhiều dư địa hợp tác kinh tế thương mại
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Việt Nam và Belarus đã và đang duy trì phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với độ tin cậy cao.
Đóng gói túi gạo tại Công ty TNHH Vinh Hiển ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Ảnh: Hữu Chí – TTXVN


Đặc biệt, việc Việt Nam thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Belarus là một thành viên đã góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là về kinh tế và thương mại. Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Belarus của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo ra xung lực mới nhằm củng cố và tăng cường quan hệ song phương; đồng thời mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước trong hợp tác thương mại, đầu tư.

Nằm ở trung tâm châu Âu, Belarus đang nổi lên như một điểm sáng thu hút nhà đầu tư quốc tế. Lợi thế lớn của Belarus là VN-EAEU FTA không chỉ giúp gia tăng trao đổi thương mại giữa hai nước mà doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường lớn như Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia.

Hơn nữa, Belarus sở hữu ngành công nghiệp phát triển mạnh, chiếm hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của quốc gia. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm máy móc nông nghiệp, thiết bị cơ khí, thực phẩm, công nghiệp hóa dầu và luyện kim. Trong số đó, ngành cơ khí với các sản phẩm từ Nhà máy Ô tô Minsk và Nhà máy Máy kéo Minsk được đánh giá cao trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng lưu ý, Belarus là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Cùng đó là một trong những nhà sản xuất phân kali hàng đầu thế giới, chiếm 17% sản lượng toàn cầu sẽ tạo cơ hội hợp tác quan trọng để doanh nghiệp trong ngành phân bón, hóa chất có thể khai thác.

Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Belarus năm 2024 đã đạt 59,8 triệu USD, giảm 8,3% so với năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu từ Việt Nam sang Belarus đạt 28 triệu USD, tăng 15,6% so với năm 2023, nhập khẩu vào Việt Nam từ Belarus đạt 31,8 triệu USD, giảm 22,4% so với năm 2023.

Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Belarus các mặt hàng gồm sữa và sản phẩm từ sữa, phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất...

Trong lĩnh vực công nghiệp, trên cơ sở Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam ký năm 2016, Công ty cổ phần Maz Asia được thành lập để sản xuất các loại xe ô tô tải, xe ô tô chuyên dùng Maz.

Tháng 1/2024, Liên doanh MAZ Asia đã đổi tên thành GMA Auto Industry để thuận tiện cho việc giao dịch và thanh toán quốc tế, đồng thời đề xuất nhập khẩu linh kiện/phương tiện vận tải tay lái nghịch vào Việt Nam, lắp ráp, gia công và tái xuất khẩu sang Indonesia.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin đầy đủ về tất cả công đoạn lắp ráp/gia công phía bạn dự định tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam để cơ quan chức năng có thể hướng dẫn cụ thể, đảm bảo hai bên tuân thủ cam kết quốc tế và quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Ngoài ra hai bên cũng triển khai một số hợp tác khác liên quan đến thử nghiệm việc sử dụng xe tải của Công ty Belaz tại các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhưng hiệu quả chưa như mong đợi của hai bên.

Tại buổi tiếp và làm việc với ông Uladzimir Baravikou - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Belarus tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định: Việt Nam và Belarus là hai quốc gia có nền kinh tế bổ sung cho nhau nhưng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Belarus cùng cho rằng: Hợp tác về công nghiệp ô tô là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác giữa hai nước; trong đó, Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô của Liên doanh MAZ (nay là GMA Auto Industry) được coi là hợp tác điển hình giữa hai nước. Trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc đều được hai bên tháo gỡ, hỗ trợ cho Liên doanh hoạt động thuận lợi. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, phía Belarus mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thị trường cho các sản phẩm thịt gồm thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang (ảnh tư liệu). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Vadim Sadouski- đại diện cổ phần thuộc Công ty cổ phần Minsk Automobile Plant tại Việt Nam chia sẻ, Minsk đã cùng đối tác Việt Nam - Công ty cổ phần Công nghiệp Âu Việt thành lập Công ty TNHH Liên doanh MAZ-Asia để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe đầu kéo và một số loại xe chuyên dụng như xe thùng, xe cứu hoả, phương tiện vận chuyển hành khách. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác phát triển ngành công nghiệp ô tô với sản phẩm có độ an toàn cao, thân thiện môi trường.

Để đưa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Belarus phát triển mạnh mẽ và bền vững, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư là hết sức cần thiết như hội chợ triển lãm, diễn đàn, hội thảo chuyên đề, kết nối giao thương chính là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Cục Xúc tiến thương mại cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại của Belarus để triển khai đa dạng các hoạt động thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường và mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ hai nước cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giao thương và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng Belarus Anatoly Sivak nhấn mạnh, phía Belarus nhận thấy tiềm năng hợp tác lớn với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vaccine, dược phẩm và thiết bị y tế. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể xuất khẩu linh kiện điện tử sang Belarus, góp phần đa dạng hóa thương mại song phương.

Ngoài ra, Belarus đặc biệt quan tâm đến hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Việc phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp hai quốc gia đáp ứng nhu cầu nội bộ mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hơn nữa, an ninh công nghệ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc củng cố nền độc lập và tự chủ của mỗi quốc gia. Do đó, hai nước cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Belarus Anatoly Sivak hy vọng trong năm 2025 này, hai nước tiếp tục phát triển VN-EAEU FTA để tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu nội bộ của hai quốc gia mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tại Khóa họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đường lối đối ngoại hướng Đông của Belarus; trong đó, vai trò và vị trí của Việt Nam luôn được coi trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thông qua cơ chế Uỷ ban liên Chính phủ, hai bên sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Belarus trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hợp tác song phương Việt Nam - Belarus hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất hai bên cần đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các thoả thuận cấp cao giữa hai nước trong chuyến thăm của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko tới Việt Nam tháng 12/2023; đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các nội dung đã thống nhất tại Biên bản khoá họp 16 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Belarus.

Mặt khác, đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và tham vấn chính sách ở tất cả các cấp độ của hai bên nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hợp tác, cũng như linh hoạt tìm kiếm giải pháp mới, góp phần nâng cao kim ngạch song phương.

Ngoài ra, cần tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện để hàng hóa của mỗi bên tiếp cận thị trường của nhau; trong đó, có nông, thủy, hải sản, sản phẩm từ sữa, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị nông nghiệp…. Mặt khác, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước được tham gia các hội chợ/triển lãm, tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại - đầu tư cũng như tận dụng hiệu quả ưu đãi mà VN-EAEU FTA mang lại

Bộ trưởng đề nghị phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có doanh nhân người Belarus gốc Việt khi kinh doanh, đầu tư tại Belarus. Đặc biệt, hai bên cần nghiên cứu, đề xuất hợp tác trong lĩnh vực mới mà một bên có lợi thế và bên kia có nhu cầu. Chẳng hạn như ngành công nghiệp có tính nền tảng (chế biến, chế tạo, cơ khí, vật liệu, hoá chất…); các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, mới nổi (chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...) nhằm xây dựng nền công nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch và phát triển bền vững./.

Tin liên quan

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Kazakhstan lên đối tác chiến lược

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 5-7/5. Sáng 6/5 (giờ địa phương), sau Lễ đón trọng thể cấp Nhà nước tại Phủ Tổng thống, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.

Nơi viết tiếp những dòng lịch sử về quan hệ Việt Nam – Azerbaijan

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, trưa 8/5 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ Khánh thành Phòng Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Dầu khí Việt Nam – Azerbaijan tại Trường Đại học Dầu mỏ và Công nghiệp Quốc gia Azerbaijan.

Tin cùng chuyên mục

Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai

Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam tháng 9 năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân tại Yên Bái và Lào Cai trong hai ngày 8 và 9/5/2025.

Hướng tới nền báo chí cách mạng hiện đại

Những điểm mới trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) rất cần thiết trong bối cảnh đất nước, thế giới có nhiều thay đổi rất nhanh như hiện nay, nhất là tác động sâu rộng của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI).

Đề xuất áp dụng lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ. Dự thảo quy định UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng địa bàn xã, phường để lựa chọn và quyết định áp dụng mức lương tối thiểu cụ thể theo vùng đối với xã, phường. Theo đó, bảo đảm mức lương tối thiểu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp cơ sở không thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn do Chính phủ quy định hằng năm.

Nền tảng giúp kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết 68 là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ mở ra không gian, cơ hội mới, mà còn tạo niềm tin mạnh mẽ giúp kinh tế tư nhân bứt phá.