Trong bầu không khí trang trọng và ý nghĩa đặc biệt, lễ ra mắt VietNuc, diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Tiến sĩ Trần Trí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, các đại diện từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, cùng đông đảo chuyên gia người Việt đang sinh sống và làm việc tại các tập đoàn, viện nghiên cứu hàng đầu châu Âu về năng lượng hạt nhân. Nhân dịp này, các thành viên VietNuc đã dâng hương lên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên của Đại sứ quán, nhân dịp 135 năm ngày sinh của Người.
Sự ra đời của VietNuc diễn ra trong bối cảnh đặc biệt thuận lợi. Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chính thức thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: "Mạng lưới chuyên gia người Việt tại nước ngoài trong lĩnh vực hạt nhân ra mắt ngày hôm nay cũng là một cố gắng của trí thức chúng ta tại Pháp, kết hợp với trí thức người Việt tại các nước khác, trên cơ sở một bề dày đóng góp và truyền thống hướng về đất nước trong nhiều thập kỷ qua."
![]() |
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Văn phòng khoa học công nghệ Việt Nam tại Pháp phát biểu khai mạc buổi lễ ra mắt VietNuc. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp |
Tiến sĩ Trần Trí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, phát biểu từ đầu cầu Hà Nội, cho biết từ năm 2016, thời điểm dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến nay, Viện Năng lượng Nguyên tử vẫn luôn tâm huyết và nghĩ rằng điện hạt nhân sẽ là phương án rất tốt cho Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam vẫn tiếp tục làm việc với một số đối tác, trong đó có Nga, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và một số nước khác. Đặc biệt khi làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các chuyên gia vẫn thể hiện quan điểm rằng Việt Nam trước hay sau cũng vẫn cần điện hạt nhân và sự ra đời của VietNuc sẽ góp phần tăng cường nguồn lực trí tuệ cho dự án quốc gia này.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, các thành viên VietNuc đều bày tỏ mong muốn được đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương. Ông Bùi Nguyễn Hoàng, Chủ tịch VietNuc, bày tỏ nguyện vọng mọi người ở nước ngoài đều mong muốn có những điều kiện được về Việt Nam và đóng góp cho Tổ quốc. Ông nhấn mạnh Việt Nam cần có cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi và tạo điều kiện cho mọi người có thể tham gia một cách trực tiếp trong các dự án ở trong nước.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Tổng thư ký VietNuc, hiện đang công tác tại Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) với vai trò kỹ sư an toàn hạt nhân, cho rằng trong quá trình khởi động lại dự án điện hạt nhân hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như khung pháp lý, lựa chọn đối tác và công nghệ, cũng như nguồn nhân lực. Ông cũng nhấn mạnh: "Bên cạnh những thách thức đó thì Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi, trong đó đặc biệt phải kể đến nền chính trị ổn định, quyết tâm của chính phủ, cũng như là khát khao công hiến của không chỉ các bộ ban ngành ở Việt Nam, các chuyên gia ở Việt Nam, mà cả các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài."
Tiến sĩ Trần Duy Châu, thành viên Ban điều hành VietNuc, cũng chia sẻ về lợi thế của các chuyên gia người Việt tại nước ngoài vốn đã "sinh sống, làm việc và trực tiếp tham gia vào các quá trình chuyển giao công nghệ thực tế, có lòng yêu nước, nhiệt tình hướng về quê hương và sự tương đồng về văn hóa".
Ông Christian Ngo, một người Pháp gốc Việt, chuyên gia cao cấp tại CEA, bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng đối với Việt Nam, năng lượng hạt nhân là một điều rất đáng quan tâm, cho phép sản xuất điện với chi phí thấp và giá cả ổn định theo thời gian. Người dân Việt Nam có đầy đủ năng lực trí tuệ để làm chủ nguồn năng lượng này".
Mạng lưới VietNuc hiện tập hợp gần 100 nhà khoa học và chuyên gia, làm việc tại các đơn vị trọng yếu về năng lượng hạt nhân như IAEA, EDF, Framatome, ANDRA, CEA, và nhiều tổ chức hàng đầu khác. Họ đã tham gia trực tiếp vào việc thiết kế, xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân EPR như Olkiluoto 3 (Phần Lan), Flamanville 3 (Pháp), Taishan 1&2 (Trung Quốc).
Về mục đích hoạt động, VietNuc được thành lập với 3 trụ cột chính. Thứ nhất là kết nối và lan tỏa tri thức thông qua việc tập hợp phát triển mạng lưới toàn cầu các chuyên gia đang công tác ở nước ngoài, chia sẻ nâng cao kiến thức cho các thành viên và lan tỏa văn hóa an toàn hạt nhân. Thứ hai là nâng tầm công nghệ hạt nhân bằng cách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ tiên tiến, gắn kết cơ sở hỗ trợ phòng thí nghiệm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ ba là hỗ trợ phát triển năng lượng hạt nhân Việt Nam thông qua tư vấn chuyên môn và tham gia các hoạt động với các cơ quan nhà nước. VietNuc hoạt động theo những nguyên tắc tự nguyện, phi lợi nhuận, đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng chuyên môn cao.
Về cơ cấu tổ chức, VietNuc được xây dựng với Ban điều hành do Chủ tịch Bùi Nguyễn Hoàng (EDF) đứng đầu. Mạng lưới đã thành lập 15 ban chuyên môn theo các lĩnh vực cốt lõi như an toàn hạt nhân và phân tích rủi ro, thiết kế kết cấu và xây dựng công trình, quản lý dự án và tích hợp kỹ thuật, vật lý hạt nhân và tính toán khoa học, vật liệu và thiết bị hạt nhân, xử lý và quản lý chất thải hạt nhân, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Về chương trình hành động cụ thể, ông Ứng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch mạng lưới cho biết, VietNuc đã xác định những mục tiêu cho giai đoạn 2025-2026 với sự hoạt động ngắn hạn tập trung vào việc xây dựng và phát triển các tổ chức chuyên môn tư vấn. Bên cạnh việc thành lập 15 ban chuyên môn trong các lĩnh vực cốt lõi, mạng lưới cũng xây dựng trang web và hệ thống liên lạc để thuận tiện kết nối, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên. VietNuc dự kiến tổ chức hội thảo về điện hạt nhân vào tháng 7-8/2025 cùng các hội thảo chuyên đề theo từng lĩnh vực chuyên môn. Trong việc tham gia xây dựng chương trình đào tạo và giảng dạy, mạng lưới sẽ hợp tác với các trường đại học trong nước như Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa, Đại học Giao thông vận tải, đồng thời đồng thiết kế và đóng góp chương trình đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực cơ bản, tham gia giảng dạy với vai trò chuyên gia nước ngoài.
VietNuc cũng tập trung chia sẻ kiến thức hạt nhân chuyên sâu và đại chúng thông qua việc cung cấp tư vấn về kinh nghiệm quốc tế trong việc hình thành khung pháp lý, chia sẻ quy trình cấp phép và những thực tiễn tốt nhất, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tư vấn và đóng góp ý kiến chuyên gia phát triển điện hạt nhân cũng được quan tâm đặc biệt, bao gồm tham vấn về lựa chọn công nghệ và đối tác, hỗ trợ trong việc hoàn thiện chủ trương đầu tư và đánh giá tác động môi trường (EIA) theo tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, VietNuc còn kết nối các cơ quan trong và ngoài nước đóng góp phát triển điện hạt nhân bằng cách xây dựng cầu nối giữa chuyên gia nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kết nối với các đối tác quốc tế uy tín.
Sự ra mắt của VietNuc không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lộ trình phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn bó sâu sắc của cộng đồng trí thức người Việt tại nước ngoài với quê hương. Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Văn phòng khoa học công nghệ Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh: "Việc tham gia của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức người Việt tại nước ngoài, mang ý nghĩa rất lớn và mang ý nghĩa chiến lược... VietNuc sẽ là một cây cầu trí thức, cây cầu kết nối được các chuyên gia, nhà khoa học với các đối tác bộ ban ngành trong nước".
Cũng nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã gửi lời chúc tới tất cả các nhà khoa học chuyên gia, người Việt ở trong nước cũng như ngoài nước luôn dồi dào sức khỏe, tâm huyết và nỗ lực không ngừng để đóng góp cho nền khoa học nước nhà, cũng như cho sự phát triển của đất nước ngày càng thịnh vượng hơn./.
Thu Hà