Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo dành thời gian trao đổi trực tiếp với điểm cầu các xã, đặc khu tại các tỉnh, thành phố Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng - là địa bàn trọng điểm bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Wipha) về tình hình bão lũ và công tác khắc phục hậu quả, nhất là việc đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Ban Chỉ đạo đánh giá, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất thường tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn quốc xảy ra hơn 10 ngàn vụ tai nạn, sự cố, thiên tai. Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) năm 2024 là trận bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.
Ban Chỉ đạo đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Các bộ, ngành, địa phương đã điều động hơn 1 triệu lượt người, hơn 58 ngàn lượt phương tiện tham gia ứng phó; xử lý hơn 9 ngàn vụ, cứu được hơn 7 ngàn người và hơn 700 phương tiện. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp, thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích, 2.212 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng. Thiên tai từ đầu năm 2025 đến ngày 7/7 làm 61 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính trên 544 tỷ đồng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cường độ, tần suất và tác hại của thiên tai ngày càng nặng nề, vượt qua mọi kỷ lục. Do đó, trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn và hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện và toàn phần. Thủ tướng cho biết, đối mặt với những diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nhất là Quân đội, Công an đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vẫn được duy trì liên tục, thông suốt.
Thẳng thắn chỉ rõ những những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, cũng như kinh nghiệm trong công tác dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo dự báo, diễn biến thiên tai năm 2025 là hết sức phức tạp do đó phải thay đổi tư duy, xây dựng cấp xã là “pháo đài” vững chắc trong phòng thủ dân sự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chủ động tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền; không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra; triển khai Hệ thống Tổng đài 112 tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố, thảm họa; nâng cao công tác dự báo truyền thông về phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả… Lưu ý việc tăng cường phối hợp giữa các cấp, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, người dân phải làm chủ trong công tác phòng thủ dân sự.
Thủ tướng tin tưởng thời gian tới, bên cạnh bảo vệ tài sản tính mạng của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, cả nước vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp, đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 – 8,5% trong năm nay và 2 con số trong những năm tiếp theo để cả nước bước vào kỷ nguyên mới giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng./.