Xây dựng mô hình nông nghiệp hiệu quả trên vùng đất cát
Vùng đất cát vốn được xem là bất lợi, trồng trọt không hiệu quả nhưng nếu biết tận dụng và học hỏi, vẫn có thể phát triển kinh tế, thậm chí còn bền vững hơn.
Mô hình nuôi cá lóc lót bạt trên cát của anh Ngô Thế Biên. 
Ảnh: Thanh Thuỷ - TTXVN

Với bản lĩnh, sức trẻ và tư duy dám nghĩ dám làm, không chấp nhận để vùng cát trắng hoang hóa quanh năm nghèo khó, anh Ngô Thế Biên (sinh năm 1985, thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, gây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp nuôi cá lóc, ếch, cá trê và chăn nuôi heo. Hiện nay, mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân vùng bãi ngang.

* Gian nan khởi nghiệp từ vùng đất “khó”

Vùng cát trắng ven biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Người dân chủ yếu trông chờ vào đi biển. Sau sự cố môi trường biển năm 2016, đời sống của người dân nơi đây đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Việc chuyển đổi từ đánh bắt thủy hải sản sang canh tác nông nghiệp tại những vùng đất cát bạc màu không hiệu quả khiến nhiều người nản chí. Trong bối cảnh đó, anh Ngô Thế Biên quyết định chuyển hướng từ trồng trọt sang chăn nuôi, bắt đầu từ số tiền tích cóp được của gia đình với 100 con heo thịt đầu tiên.

Anh Biên kiểm tra sinh trưởng của ếch. 
Ảnh: Thanh Thuỷ - TTXVN

Anh Ngô Thế Biên cho hay, thời điểm ấy, để thay đổi tư duy chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên cát không phải ai cũng dám làm. Anh đã nghiên cứu kỹ, tìm hiểu thêm về các mô hình trên mạng để học tập. Thấy mô hình nuôi cá lóc ở miền Tây mang lại hiệu quả cao, anh đã lặn lội vào An Giang học tập kỹ thuật, mua giống về nuôi thử nghiệm.

Anh đã khởi đầu đầy thử thách với mô hình nuôi heo và cá lóc trên nền cát gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với mô hình nuôi cá lóc điều kiện tiên quyết đầu tiên là nguồn nước phải sạch, hệ thống bạt kín; điều kiện thời tiết thất thường cũng có thể khiến nhiều lứa cá bị thất bại. Không nản chí, anh Biên đã kiên trì đầu tư hệ thống hồ lót bạt, khoan thêm 7 giếng lấy nước ngọt, áp dụng kỹ thuật mới để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của vùng biển. “Tôi từng nhiều lần thất bại, thậm chí có lúc muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên càng làm càng vỡ ra nhiều điều. Chỉ cần không bỏ cuộc, cuối cùng cũng tìm được cách. Vùng đất cát vốn được xem là bất lợi, trồng trọt không hiệu quả nhưng nếu biết tận dụng và học hỏi, vẫn có thể phát triển kinh tế, thậm chí còn bền vững hơn. Điều quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm và không ngừng học hỏi ” - anh Biên chia sẻ.

Dù gặp không ít khó khăn trong kỹ thuật nuôi cá lóc, anh Biên vẫn kiên trì, từng bước khắc phục để ổn định sản xuất. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cá lóc lót bạt trên cát của anh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiếp đó vào năm 2024, anh bắt đầu mở rộng thêm trang trại, xây dựng thêm hệ thống hồ nuôi ếch thương phẩm và ếch giống; đồng thời, mở rộng hồ nuôi thêm mô hình cá trê để tận dụng lại thức ăn, nguồn nước của cá lóc và ếch.

Mô hình nuôi ếch trên cát của anh Biên tại thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái. 
Ảnh: Thanh Thuỷ - TTXVN

* Mô hình kinh tế bền vững trên cát

Đến nay, anh Biên sở hữu một trang trại rộng 0,8ha với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong đó, diện tích nuôi cá lóc là 800m2. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh xuất bán 20 - 25 tấn cá lóc với giá thành bán ra khoảng 53.000 đồng/kg. Song song với đó, anh có 20 hồ nuôi ếch, diện tích 400m2, kết hợp giữa ếch thương phẩm và ếch giống; sản lượng đạt 5 tấn/năm, giá thành khoảng 47 triệu đồng/tấn ếch thương phẩm. Hiện, anh đang nuôi khoảng 200 cặp ếch bố mẹ để chủ động giống, giảm chi phí đầu vào cũng như cung cấp nguồn giống cho các nơi có nhu cầu. Ngoài ra, hồ nuôi cá trê cũng mang lại sản lượng khoảng 1 tấn/năm. Đồng thời, anh duy trì 100 con heo thịt, 1 năm 2 lứa với sản lượng khoảng 25 tấn/năm và 10 con heo nái. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Đây là con số đáng ghi nhận trên vùng đất được xem là “không trồng được gì”.

Anh Biên cho hay, mô hình nuôi thủy sản trên cát đòi hỏi phải học hỏi và trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm liên tục. Riêng đối với cá lóc, loại cá đòi hỏi kỹ thuật cao thì giai đoạn đầu nuôi rất khó khăn. Kinh nghiệm của anh là phải chọn nguồn giống khỏe, tốt, chế độ thức ăn hợp lý, môi trường ổn định, nguồn nước sạch. Bởi loại cá này rất nhạy cảm với nhiệt độ môi trường, nước chậm thay là có thể gây thiệt hại ngay...

Hệ thống hồ nuôi cá, ếch cùng trang trại heo của anh Biên được quy hoạch, xây dựng hợp lý. Hệ thống bạt che, cùng nước thải được đầu tư đồng bộ tận dụng tối đa diện tích cũng như nguồn nước. Để phục vụ nhu cầu nuôi cá và ếch, anh đang mở rộng và xây dựng thêm 6 hồ với khoảng 250m2, 1 hồ nuôi cá lóc với khoảng 300m2. Từng bước đi của anh đều là sự kết hợp giữa học hỏi và thực hành. Nhờ ứng dụng công nghệ và không ngừng cải tiến, mô hình của anh Biên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân khác trong vùng cùng học hỏi và áp dụng; qua đó, góp phần thay đổi nhận thức và cách làm của người dân vùng khó.

Anh Biên đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách cung cấp cho các quán ăn như cháo cá Cà Mèn, hay bán sỉ cho các đầu mối ở nước bạn Lào cũng như liên kết bán cho các điểm dịch vụ hồ câu, giảm áp lực phụ thuộc thương lái.

Theo ông Ngô Thế Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, mô hình kinh tế tổng hợp, nuôi thủy sản lót bạt của anh Biên là một mô hình mới, tiên phong tiêu biểu trong chuyển đổi mô hình sản xuất trên vùng đất khó của xã. Mô hình mang tính tổng hợp, bền vững, phù hợp điều kiện thực tế với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng nhân rộng. Hiện nay, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đã khuyến khích người dân học tập, mở rộng theo mô hình này để phát triển kinh tế. Hiện, xã đang đề xuất hỗ trợ thêm về thủ tục pháp lý, nguồn vốn ưu đãi và kỹ thuật để nhân rộng mô hình.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Kế hoạch). Kế hoạch nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh. Theo Kế hoạch, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp tập trung thi đua thực hiện một số nội dung.

13 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (tính đến 16/5/2025)

Ngày 16/5/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 15 đến 16/5/2025) của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, hai nước đã nâng cấp quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Tính đến ngày 16/5/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 13 quốc gia. Đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024), Malaysia (11/2024), New Zealand (2/2025), Indonesia (10/3/2025), Singapore (12/3/2025) và Thái Lan (16/5/2025).

Việt Nam tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật thường trực Tổ chức Hải quan thế giới

Tại phiên họp lần thứ 247/248 của Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) thuộc Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tại Brussels (Bỉ) ngày 14/5/2025, Việt Nam đã tiếp tục được các thành viên WCO tín nhiệm tái cử giữ cương vị Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025-2026. Trước đó, Việt Nam đã giữ chức Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2024-2025.

Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sinh sản thành công giống cá cam

Lần đầu tiên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, dùng để chế biến sashimi, sushi và có giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg. Trước đó đơn vị cũng nghiên cứu và sinh sản thành công cá nhụ bốn râu (cá chét, cá gộc). Đây là kết quả đột phá, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.  

Bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã cấp mã cảng “VNANA” cho Công viên bến du thuyền Ana Marina Nha Trang. Đây là bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động chính thức. Bến du thuyền này có công năng phục vụ 110 du thuyền, tối đa lên đến 220 du thuyền với vị trí địa lý tưởng, có thể kết nối giao thông hàng hải giữa khu vực Đông Nam Á và Bắc Á.  

3 thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng

Thành phố Hải Phòng chính thức đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng” đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025). Trước đó, ngày 28/4/2025, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 766/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng” đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng vì đã có thành tích xuất sắc, toàn diện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với quyết định này, Hải Phòng vinh dự sánh vai cùng các đô thị lớn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” năm 2005 và Thủ đô Hà Nội, được phong danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000.  

Việt Nam được đề cử làm Chủ tịch Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Tại Phiên họp thứ ba và cuối cùng của Ủy ban Trù bị (PrepCom 3) để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 (RevCon11) Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026, Việt Nam đã được đề cử vào vị trí Chủ tịch của Hội nghị kiểm điểm NPT lần thứ 11 trong năm 2026. Quyết định này thể hiện sự ghi nhận và tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy giải trừ, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như sự kỳ vọng về vai trò và năng lực của Việt Nam trong điều hành, dẫn dắt một trong những tiến trình chính trị-an ninh quốc tế quan trọng nhất hiện nay trong khuôn khổ Liên hợp quốc.  

“Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”

Tư tưởng “đổi mới” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ sớm trong nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói, nổi bật là “Đường kách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Đời sống mới”, “Dân vận” và đặc biệt là trong bản Di chúc thiêng liêng. Từ các bài viết, bài nói của Bác toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.

Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Thái Lan thưởng lãm sản phẩm thủ công

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 nội các chung Việt Nam – Thái Lan từ ngày 15 và 16/5. Chiều tối 15/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã thưởng lãm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của Việt Nam và tham quan trưng bày ảnh Việt Nam – Thái Lan.