Xây dựng nước Việt Nam độc lập - hùng cường |
Không những mong muốn đất nước độc lập, tự do, Bác Hồ còn ấp ủ khát vọng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong bức thư gửi các học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 5/9/1945, Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Tiếp nối kỳ vọng, niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng, Nhà nước ta đang dần hiện thực hóa sinh động khát vọng ấy trong công cuộc đổi mới toàn vẹn đất nước hôm nay và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, phải dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, lao động và cả nguồn viện trợ bên ngoài, Việt Nam đã tiến hành chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đạt được những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao.
Giáo sư Carl Thayer – Đại học New South Wales: Điều khiến tôi ấn tượng nhất là mỗi lần đến thăm Việt Nam, dải đất hình chữ S, tôi đều thấy Việt Nam thay da đổi thịt mạnh mẽ. Thập kỷ rưỡi đầu tiên sau khi thống nhất là thời điểm khó khăn của Việt Nam. Tuy nhiên, chính tầm nhìn xa trông rộng mang tính chiến lược của lãnh đạo đất nước khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế và mở cửa hội nhập với thế giới, cho phép khu vực tư nhân phát triển là những yếu tố then chốt đưa Việt Nam thoát khỏi những khó khăn đó.
Ông Daosavanh Kheuamixay - Phó Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào: Nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên gấp 10 lần so với những năm đổi mới. Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, đứng thứ 32 thế giới, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt gần 5.000 USD, đưa Việt Nam bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao. Đây là chỗ dựa vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Về công tác ngoại giao, Việt Nam từ tình trạng khép kín, bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã tiến hành mở cửa đất nước, kiên trì và đẩy mạnh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Giáo sư Carl Thayer – Đại học New South wales: Chiến lược ngoại giao này đã mang lại thành công cho Việt Nam khi Việt Nam 2 lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu áp đảo, Việt Nam đã khẳng định được uy tín với thế giới, là đối tác đáng tin cậy thông qua việc theo đuổi độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Hầu hết các nước đang phát triển đều phải nhìn Việt Nam với ánh mắt ngưỡng mộ.
Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo là lựa chọn mang tính lịch sử, là sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa to lớn, phù hợp thực tiễn Việt Nam, quy luật, xu thế phát triển chung của thời đại để đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Ngọc Lan – Bích Hảo