Xây nhà kiên cố giúp dân an cư ổn định cuộc sống
Bắc Ninh phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh cho 204 hộ, gồm khoảng 162 hộ xây mới và khoảng 42 hộ sửa chữa, xong trong tháng 2/2025.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thể hiện sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.

* Ấm lòng người yếu thế

Những ngày này, không khí xây dựng khẩn trương tại những ngôi nhà Đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang được đẩy mạnh hơn lúc nào hết. Chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân 8/8 huyện, thị xã, thành phố đang tích cực hoàn thành sớm việc xây dựng để nhân dân được đón Tết trong ngôi nhà mới. Qua đó, giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm an cư, ổn định cuộc sống.

Vừa được khởi công xây dựng nhà, bà Ngô Thị Sơn, sinh năm 1964, khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn cảm thấy xúc động, biết ơn khi gia đình được các cấp chính quyền quan tâm.

Bà Ngô Thị Sơn (thứ 2 từ phải), khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nhận hỗ trợ xây nhà mới từ tỉnh Bắc Ninh. 
Ảnh: Thanh Thương-TTXVN

Bà Sơn chia sẻ: Gia đình bà có 3 mẹ con cùng sinh sống, trong đó con lớn 20 tuổi mắc chứng thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, con thứ 2 lao động thời vụ, bà thì tuổi cao sức yếu. Làng nghề suy thoái, không có việc làm ổn định nên cuộc sống 3 mẹ con chỉ trông vào 5 sào ruộng và thu nhập thời vụ của cậu con trai thứ hai.

Thu nhập thấp, không ổn định lại thường xuyên phải khám chữa cho người con lớn khiến gia đình bà Sơn khó khăn chồng chất khó khăn. Trước đây, cả gia đình sống trong ngôi nhà ngói 3 gian, đã mục hết gỗ, mái ngói dột nát, hễ mưa là cả nhà ướt hết, phải di chuyển đồ đạc đi khắp nơi tránh ướt. Vừa qua, gia đình bà được Nhà nước, các nhà hảo tâm hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới.

“Đó là sự quan tâm, sẻ chia, đùm bọc của cả cộng đồng với gia đình. Tôi cảm ơn chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước để gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn", bà Sơn chia sẻ.

Với số tiền hỗ trợ, bà Sơn dự định xây căn nhà 3 gian với diện tích mặt sàn 45m2, gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, bếp, công trình phụ khép kín.

Bà Ngô Thị Sơn (ngoài cùng, bên trái), khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vui mừng khi được hỗ trợ xây nhà mới. 
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Anh Lưu Đình Chinh, Trưởng khu phố Phù Khê Thượng, phường Phù Khê cho biết: Địa phương và các đơn vị chức năng thường xuyên túc trực để hỗ trợ, đồng hành cùng gia đình bà Sơn tháo dỡ, dọn dẹp, xây dựng nhà mới. Qua đó, góp phần phát huy truyền thống tương thân, tương ái của người Việt; đồng thời giúp giảm chi phí xây dựng cho bà.

Cùng chung niềm vui với bà Sơn có cựu chiến binh Khổng Văn Định, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc. Gia đình ông Định thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, bản thân ông thường xuyên đau yếu, bệnh tật. Sống trong ngôi nhà xập xệ, những tưởng đến cuối cuộc đời, giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố chỉ là ước mơ, nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, gia đình ông được Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Yên Phong hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà mới

Không giấu nổi niềm xúc động, ông Khổng Văn Định nghẹn ngào: Căn nhà cũ được xây dựng cách đây hàng chục năm. Trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột, mùa đông từng cơn gió lạnh lùa vào. Gia đình ông cũng ước mong có căn nhà mới từ lâu. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, gia đình đã có thêm kinh phí, nguồn động lực để xây nhà mới.

* Giúp dân an cư, ổn định cuộc sống

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, thời gian qua, Bắc Ninh luôn chú trọng nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là chăm lo cho các đối tượng chính sách, an sinh xã hội. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người yếu thế và các đối tượng khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ về nhà.

Cụ thể, tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ về nhà ở theo chương trình mục tiêu Quốc gia cho 7.926 gia đình với tổng kinh phí 399,94 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 4.981 hộ gia đình người có công với cách mạng, đã hoàn thành giải ngân 241,36 tỷ đồng; hoàn thành hỗ trợ cho gần 3.000 hộ nghèo về nhà ở với kinh phí giải ngân là 158,58 tỷ đồng.

Đến nay, sau khi rà soát tại các địa phương, Bắc Ninh phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh cho 204 hộ, gồm khoảng 162 hộ xây mới và khoảng 42 hộ sửa chữa (trong đó có 59 hộ gia đình người có công với cách mạng;145 hộ gia đình cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn), xong trong tháng 2/2025.

Tỉnh quy định mức hỗ trợ cho mỗi nhà ở xây mới 100 triệu đồng; mỗi nhà ở cải tạo, sửa chữa 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các địa phương huy động hỗ trợ bằng ngày công của các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể đóng trên địa bàn để giúp hộ gia đình xây dựng nhà ở.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công nhà tại phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Tỉnh sẽ hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, các địa phương huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm; hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần vốn, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ độc thân, hộ người cao tuổi không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24m2), bảo đảm “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Tỉnh phấn đấu toàn bộ các hộ thuộc danh sách được hỗ trợ phải hoàn thành xây dựng nhà ở xong trong dịp 3/2/2025.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” thể hiện sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, phong trào sẽ sớm hoàn thành theo mục tiêu đề ra, đạt hiệu quả thực chất, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân./.

Tin liên quan

Tuyên Quang chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, "không để ai bị bỏ lại phía sau", những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở. Từ năm 2021 đến nay, đã có hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng, giúp các hộ nghèo ở Tuyên Quang ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

10 đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng phát triển bền vững

Ngày 10/12/2024, Tổ chức xếp hạng QS đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới "QS World University Rankings: Sustainability 2025" cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới. Trong kỳ xếp hạng lần này, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt, tăng 2 trường so với năm trước (Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng).

Ngày của Phở 12/12: Phở Việt Nam vươn tầm ẩm thực quốc tế

Ngày 12/12 hằng năm được chọn là “Ngày của Phở”. Sự kiện được khởi xướng từ năm 2017, trở thành một hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực quan trọng, góp phần nâng tầm ẩm thực Việt Nam và lan tỏa món Phở truyền thống của Việt Nam ra khắp thế giới. Trong những năm gần đây, Phở Việt Nam nhiều lần được bình chọn là một trong những món ăn ngon và nổi tiếng trên thế giới: Top 30 món ăn ngon nhất toàn cầu năm 2018, Top 20 món nước ngon nhất thế giới năm 2021, Top 100 món ăn ngon và nổi tiếng nhất thế giới 2022…

Thông tin chi tiết về công viên Logistics đầu tiên của Việt Nam

Ngày 11/12/2024, tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn diễn ra Lễ khai trương Công viên logistics Viettel Lạng Sơn. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Công viên được xây dựng như một cảng cạn, tích hợp đầy đủ các chức năng thông quan, xuất, nhập khẩu, các khu bảo quản sau thu hoạch, trung tâm giao dịch nông sản Việt Nam…, có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày.

Ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và ngoại giao của Việt Nam

Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực đang có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường; tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh ngày càng nặng nề hơn. Các yếu tố này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại. Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn đã có cuộc phỏng vấn độc quyền ông Đào Xuân Lai, Phó Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Lào, về những thành tựu ý nghĩa đó của Việt Nam.

11 tháng năm 2024: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD

Tính đến 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.  

“Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam” - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Vào 9h48' (giờ địa phương, tức 19h48' giờ Việt Nam) ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.   

16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO.