135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hình ảnh Bác trong ký ức bạn bè Mỹ Latinh
Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Chile Claudio De Negri vẫn nhớ như in âm hưởng Bài Ca Hồ Chí Minh mà ông và hàng nghìn người dân Chile hát vang tại quảng trường lớn tại thủ đô Santiago de Chile trong cuộc diễu hành ủng hộ Việt Nam vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

“Ho, Ho, Ho Chi Minh: Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng!” là điệp khúc của Bài Ca Hồ Chí Minh phiên bản tiếng Tây Ban Nha mà cậu sinh viên Claudio De Negri vừa hát, vừa giơ cao tay giữa biển người, cho dù tại thời điểm đó Negri cũng như đa số người dân Chile chưa một lần được gặp Bác, cũng như có cơ hội tiếp xúc với nhân dân của đất nước Việt Nam xa xôi cách nửa vòng trái đất.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh về những năm tháng tuổi trẻ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Chile Claudio De Negri cho biết trong những năm 60 của thế kỷ trước, ông và hàng chục thanh niên Chile theo tư tưởng tiến bộ đã nhiều lần bí mật vẽ áp phích, tranh tường về Hồ Chí Minh và Việt Nam dán tại nhiều địa điểm công cộng của thủ đô Santiago de Chile, bất chấp lệnh cấm của chính quyền đương thời và có thể dẫn đến việc bị bắt giữ và tù tội.

Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước thềm lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025), ông Negri - người từng đảm nhận vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Chile tại Việt Nam – khẳng định tình cảm của ông, cũng như người dân Chile thời điểm đó dành cho Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam đến một cách tự nhiên, bắt nguồn từ sự tương đồng về lý tưởng đấu tranh vì tự do và hòa bình.

Ảnh chụp màn hình tờ Reporte Asia của Argentina đăng bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm ngày sinh của Người. (Ảnh: Diệu Hương/TTXVN)

Ngay sau Cuba, Chile là quốc gia thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuy nhiên mối quan hệ ấy không chỉ bắt đầu trên bình diện nhà nước mà là một câu chuyện đầy nhân văn từ tình cảm của những con người tiên phong.

Năm 1969, khi còn là Chủ tịch Thượng viện Chile, ông Salvador Allende, đã vượt qua nửa vòng Trái Đất đến Hà Nội để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là chuyến thăm cấp nhà nước cuối cùng mà Bác Hồ đón tiếp trước khi Người qua đời.

Trong cuộc gặp lịch sử ấy, ông Allende đã nói với vị lãnh tụ Việt Nam: “Tôi sẽ trở thành Tổng thống của Chile và tôi sẽ tôn vinh nhân dân của mình bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam”.

Lời hứa ấy không chỉ là một câu chuyện đẹp giữa hai nhà cách mạng, mà còn là minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của lý tưởng hòa bình, độc lập và công bằng. Năm 1970, ông Allende trở thành Tổng thống của Chile. Và chỉ 1 năm sau, giữa lúc Việt Nam vẫn trong ánh chớp lửa đạn của chiến tranh, Chile đã mở Đại sứ quán của nước này tại Hà Nội.

Trong khi đó, từ thủ đô Quito của Ecuador, ông Juan Meriguet Martínez, Ủy viên Ban lãnh đạo đảng Somos Patria (Chúng ta là tổ quốc) cho biết trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, từ thanh thiếu niên cho đến người già tại Ecuador đều chú ý tới những tin tức thời sự từ Việt Nam.

Đặc biệt, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các bài viết và tư tưởng của Người đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành, phát triển cũng như đóng vai trò kim chỉ nam cho hành động của phong trào cách mạng tại Mỹ Latinh và Ecuador, qua đó tạo nên mặt trận ủng hộ Hồ Chí Minh và Việt Nam trên quy mô thế giới.

Hơn thế nữa, ngôi nhà của Ủy viên Trung ương đảng Cách mạng Công dân Ecuador Juan Meriguet Martínez – cũng như nhiều gia đình khác ở Ecuador – là nơi gìn giữ và tôn vinh những giá trị mang tên Việt Nam: gồm những bức ảnh, cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhà văn, trí thức Việt Nam khác.

Trong khi đó, dành sự ngưỡng mộ sâu sắc trước thiên tài chính trị - quân sự Hồ Chí Minh, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Peru Hidebrando Cahuanca Segovia khẳng định Bác Hồ chính là người chèo lái, dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ mang lại độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn mang tính thời đại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau này.

Theo ông Segovia, Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt là quan điểm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã trở thành tuyên ngôn của mọi người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có người dân Mỹ Latinh. Tinh thần của lời kêu gọi đã tạo nguồn cảm hứng, khích lệ to lớn với cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập của các nước Mỹ Latinh.

Cùng lúc đó, từ Mexico, thẩm phán Ricardo Alfredo Sodi Cuellar, Chủ tịch Tòa án Công lý bang Mexico (Estado de Mexico) khẳng định với phóng viên TTXVN rằng ngoài việc Mexico là một trong những quốc gia có nhiều bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất thế giới, nước này còn có một giảng đường quy mô lớn mang tên Hồ Chí Minh tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM).

Thẩm phán Ricardo Alfredo Sodi Cuellar, Chủ tịch Tòa án Công lý bang Mexico (Estado de Mexico) chia sẻ với phóng viên TTXVN về những ấn tượng của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Phương Lan- PV TTXVN tại Mexico

Theo thẩm phán Ricardo Alfredo Sodi Cuellar, điều này thể hiện rõ nét rằng hình tượng Hồ Chí Minh không chỉ được nhân dân Mexico yêu quý và ngưỡng mộ, mà tư tưởng của Người còn được giới học thuật và tầng lớp tinh hoa Mexico trân trọng và nể phục./.

Phi Hùng – Phương Lan

Tin cùng chuyên mục

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người là biểu tượng đấu tranh của các dân tộc bị áp bức

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Italy, nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), nhà báo Massimo Loche, nguyên phóng viên chiến trường tại Việt Nam trong thập niên 70 của thế kỷ trước, đã từng cộng tác với các báo như l’Unità, Rinascita, l’Espresso và là cựu Phó Giám đốc của kênh truyền hình tin tức Rainews24, đã chia sẻ những cảm nghĩ của ông về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và bạn bè tiến bộ trên thế giới.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Biểu tượng giải phóng dân tộc và di sản cách mạng toàn cầu

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ) về ảnh hưởng của các lãnh tụ cách mạng trong thế kỷ XX, ông Garis Djoumez, nhà sử học chuyên về quan hệ quốc tế và tiểu sử học đã đưa ra những nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người kiến tạo lịch sử Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ấn tượng sâu sắc về Bác Hồ trong lòng nhân sĩ Hong Kong (Trung Quốc)

Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến Hong Kong (Trung Quốc) để hoạt động cách mạng dưới tên gọi Tống Văn Sơ trong khoảng thời gian đầu những năm 1930. Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã phỏng vấn các nhân sĩ có nhiều năm nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Người, cũng như từng có cơ hội được gặp Bác Hồ tại Việt Nam để tìm hiểu những tâm tư, tình cảm và kỷ niệm đối với vị cha già dân tộc.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người anh hùng dân tộc Việt Nam sống mãi trong ký ức bạn bè Italy

“Bác Hồ vẫn luôn ở cùng chúng ta. Những gì Người làm cho chúng ta, cho dân tộc Việt Nam của Người và các dân tộc bị áp bức, những điều Người đã dạy chúng ta bằng sự khiêm nhường và kiên định, chúng ta sẽ luôn mang theo và ghi nhớ trong tâm trí và trái tim mình” - Đó là những điều mà Tiến sĩ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin và Genoa chia sẻ với phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khẳng định giá trị thời đại của phong cách ngoại giao của Bác

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã trang trọng tổ chức Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bàn thờ Bác Hồ trong trụ sở Đại sứ quán, Lễ kỷ niệm và cuộc trao đổi về phong cách ngoại giao trong Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh”

Tối 18/5, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” diễn ra tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Dự chương trình có: Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; các đồng chí: Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội cùng đông đảo đại biểu khách mời các cơ quan, đơn vị.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người dân Mỹ Latinh và những lần gặp Bác

Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Mỹ Latinh trong những năm đầu thế kỷ XX trên hành trình bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, sau đó không có dịp quay lại nơi đây. Tuy nhiên, nhiều người dân tại châu lục này đã vượt nghìn trùng khơi với mong muốn gặp Bác, giữa lúc Việt Nam vẫn chìm trong ánh chớp lửa đạn.