50 năm Thống nhất đất nước: Chiến thắng 30/4 tạo động lực lớn cho phong trào cách mạng thế giới
Chiến thắng 30/4 đã tạo nên động lực to lớn cho phong trào cách mạng thế giới và chỉ cho thế giới thấy rằng khi một dân tộc quyết định chiến đấu vì độc lập và chủ quyền, họ có thể đánh bại mọi thế lực thù địch, dù mạnh đến đâu. Đây là nhận định của ông Fredesmán Turró González - nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), ông Fredesmán cho biết chiến thắng lịch sử trên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết và kết hợp hài hòa giữa đấu tranh quân sự với chính trị - ngoại giao, cũng như việc cần phải tạo ra một phong trào đoàn kết quốc tế mạnh mẽ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Fredesmán, thắng lợi lịch sử của cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, mở đường thống nhất đất nước sau nhiều năm dài đấu tranh đẫm máu, đầy anh hùng và hy sinh. Chiến thắng này là một trong những sự kiện vẻ vang và trọng đại nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, là biểu hiện của lòng dũng cảm, đoàn kết toàn dân tộc và ý chí sắt đá của toàn thể nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, chủ quyền quốc gia, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ.

Ông Fredesmán khẳng định chiến thắng cách đây nửa thế kỷ mãi mãi là nguồn động viên to lớn đối với sự nỗ lực của nhân dân và các nhà lãnh đạo trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước phồn vinh, hiện đại. Chiến thắng này cũng là một phần không thể tách rời của lòng tự hào dân tộc và tình cảm yêu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam nhấn mạnh lời dạy của Bác Hồ “đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết, thành công - thành công - đại thành công” và lịch sử Việt Nam cho thấy đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quyết định trong chiến thắng chống giặc ngoại xâm và khắc phục hậu quả thiên tai. Đoàn kết có tầm quan trọng tối đa khi Việt Nam đang nhanh chóng phát triển kinh tế và xã hội. Sự đoàn kết và thống nhất giữa người dân Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như giữa người dân và lãnh đạo, đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều có thể tận hưởng phúc lợi mà sự phát triển kinh tế và xã hội mang lại.

Cũng theo ông Fredesmán, chiến thắng 30/4 là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quân sự đóng vai trò quyết định và trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, sự kết hợp của nhiều yếu tố này vẫn có tầm quan trọng tối đa để đạt được các mục tiêu đề ra, trong trường hợp của Việt Nam là đạt được phát triển kinh tế và đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam duy trì quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia, có mặt tại hơn 200 thị trường quốc tế và là thành viên tích cực tham gia các tổ chức và sự kiện quốc tế. Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, hội nhập kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế khu vực, ký kết các hiệp định thương mại tự do, có quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với các nước lớn. Ngoài ra, Việt Nam còn hợp tác vô tư với các quốc gia khác, bao gồm cả Cuba.

Trong 50 năm qua, đặc biệt kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12/1986, Việt Nam đã có những chuyển đổi về tư tưởng và cơ cấu, không giáo điều mà phù hợp với thực tế đất nước. Điều đó không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi tình hình khó khăn mà còn đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, có thể coi là siêu việt. Hiện nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn ở mức cao. Mức sống của người dân ngày càng được cải thiện và Việt Nam được coi là hình mẫu trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo. Việt Nam có tiềm năng to lớn, thể hiện ở nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, người dân chăm chỉ, thông minh, lực lượng lao động trẻ và ngày càng được đào tạo bài bản.

Những thành tựu kinh tế và tăng trưởng năng động của Việt Nam, sự tham gia tích cực vào kinh tế toàn cầu, nền ngoại giao hòa bình và hợp tác, cũng như việc tham gia ngày càng nhiều vào các diễn đàn và sự kiện quốc tế đã nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng của nhân dân thế giới. Ông Fredesman tin tưởng rằng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc sẽ giúp Việt Nam vững bước trong kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Việt Hùng - Mai Phương

Tin cùng chuyên mục

Tôn vinh tiếng Việt: Lan tỏa tiếng Việt và hình ảnh Việt Nam hiện đại tới bạn bè Mỹ

Dù hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau song cả Giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde ở bang California và doanh nhân Katherine Lam ở bang Oregon đều có chung một mục tiêu là gin giữ tiếng Việt và quảng bá hình ảnh Việt Nam hiện đại tới bạn bè quốc tế để người Mỹ có cái nhìn sâu sắc, toàn diện và tích cực hơn về Việt Nam ngày nay.

Tạo động lực, truyền cảm hứng cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới

Chiều 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 (Hội đồng) chủ trì phiên họp lần thứ 11 của Hội đồng để đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ thời gian qua và thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ thời gian tới; đồng thời xem xét việc tặng, truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động" cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 17/4/2025: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khai thác chuyến bay đầu tiên

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất - công trình trọng điểm mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong hạ tầng giao thông đô thị. Ngày 17/4/2025, sân bay khai thác chuyến bay đầu tiên tại nhà ga T3.

Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư năm 2025: Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm

Hội nghị Thượng đỉnh diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 -17/4/2025. Đây là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026, thể hiện cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ P4G, cũng như trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Dự kiến Hội nghị sẽ thông qua 2 văn kiện: Tuyên bố Hà Nội về tăng trưởng xanh, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố về tăng cường hợp tác giữa P4G và các tổ chức, cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Campuchia

Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thân mật tiếp Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư tại Hà Nội.

Thống nhất về nhận thức, tư tưởng vì lợi ích chung của đất nước

Sáng 16/4, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã, quân khu, quân đoàn, quân binh chủng trong toàn quốc. Hội nghị cũng được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp nhằm lan tỏa mạnh mẽ các nội dung đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tăng cường hợp tác quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Tiếp tục các hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã đến thăm Đại đội Biên phòng Cửa khẩu Hữu Nghị Quan và tham quan Cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu Hữu Nghị Quan; đồng thời chứng kiến Biên đội tàu hải quân 2 nước báo cáo trực tuyến về công tác tuần tra liên hợp và nhận lệnh xuất phát thực hiện nhiệm vụ.

Diện mạo mới hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc nhưng chỉ trong thời gian ngắn, mạng lưới hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng hoàn thiện với nhiều cây cầu hiện đại cùng 120km đường cao tốc được đưa vào khai thác.