Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (giờ Geneva), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. |
Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Hiệp định Geneva 1954 là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi, khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhìn lại sự kiện lịch sử cách đây 70 năm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Những bài học từ việc đàm phán, ký kết Hiệp định khi đó vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, là cuốn cẩm nang quý giá của ngành ngoại giao Việt Nam.
Bà Hà Thị Ngọc Hà, con gái cố Thứ trưởng Ngoại giao Hà Văn Lâu, thành viên đoàn Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Geneva khi đó, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN những mẩu chuyện xung quanh sự kiện lịch sử mà bà được cha mình kể lại.
Tháng 3/1954, Đại sứ Hà Văn Lâu, khi đó là Cục trưởng Cục Tác chiến Quân đôi Nhân dân Việt Nam nhận nhiệm vụ tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự Hội nghị Geneva và ông đã chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu đánh giá tình hình quân sự để phục vụ công tác đàm phán. Một ngày trước khi cuộc họp về Việt Nam diễn ra, phái đoàn Việt Nam được thông tin về chiến thắng Điện Biên Phủ. Vui mừng khôn xiết, cả đoàn đã thức suốt thêm chuẩn bị cho cuộc họp.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tại phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, sáng 8/5/1954 với tư thế của một dân tộc chiến thắng. |
Ảnh: Tư liệu TTXVN |
“Bác Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán, khi đó là Phó Thủ tướng, nói với ba tôi và các thành viên khác trong đoàn đàm phán rằng dù Việt Nam bước vào thảo luận với tư thế ngẩng cao đầu nhưng vẫn cần phải cảnh giác, bởi lẽ Pháp dù thua tại trận Điện Biên Phủ, sẽ không dễ dàng nhượng bộ”, bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chile nhớ lại.
“Ba tôi nói khi đó bầu không khí tại Hội nghị vô cùng căng thẳng, nhất là khi đàm phán về phân định giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự. Sau này khi nhắc lại sự kiện lịch sử đó, ba tôi có chút thoáng buồn rằng đoàn ta đã đấu tranh để đường giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 13 nhưng cuối cùng thỏa hiệp vị trí vĩ tuyến 17”.
“Tuy nhiên, với tình hình thế giới khi đó và thực lực của quân ta lúc bấy giờ thì chúng ta không thể nào có một chiến thắng lớn hơn nữa và đó chỉ là đường giới tuyến tạm thời mà thôi. Chúng ta đã kiên định với các nguyên tắc đặt ra và đã đạt được mục đích lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương, buộc các cường quốc phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, bà Hà chia sẻ.
Từ những câu chuyện của ba mình, bà Hà cho rằng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngoại giao và chính bà đã vận dụng nguyên tắc này trong nhiều cuộc đàm phán sau này, trong đó có đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và Hiệp định cứu nạn, cứu hộ trên biển mà bà có cơ hội được tham gia sau này.
Hiệp định Geneva - Bài học ngoại giao trường tồn
Trong phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva lịch sử, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Việt Nam đã học được nhiều kinh nghiệm mà đầu tiên phải kể đến là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc gắn kết với đoàn kết quốc tế để tạo nên "một sức mạnh vô địch".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo khoa học 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. |
Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
"Trong quá trình đàm phán Hiệp định Geneva, chúng ta không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam", ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ hai, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt, biến hóa về sách lược theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Theo đó, trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva, chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, song cơ động, linh hoạt có sách lược phù hợp với tương quan lực lượng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực để giành mục tiêu chiến lược.
Thứ ba, bài học về luôn luôn coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, phải "biết mình", "biết người", "biết thời", "biết thế" để từ đó "biết tiến", "biết thoái", "biết cương", "biết nhu". Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là bài học sâu sắc còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến động phức tạp và khó lường.
Thứ tư, bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Đây là bài học mang tính thời đại, nhất là khi nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới như hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24, tại thủ đô Brussels (Bỉ). |
Ảnh: Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ |
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, cuộc đấu tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta phù hợp với xu thế của thời đại và nguyện vọng chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Do đó, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung, trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva nói riêng, chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ to lớn và quý báu cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, trước hết là từ Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quý báu của cộng đồng quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Những bài học nổi bật nói trên cùng nhiều bài học quý báu khác từ Hiệp định Geneva đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay, Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Trong gần 40 năm tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, APEC và ASEM./.