ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong hai năm 2024 và 2025
ADB giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%, với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024.
Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ngày 17/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO), trong đó ADB giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 lần lượt ở mức 6,0% và 6,2%, với kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024.

Lạm phát được dự báo sẽ ổn định ở mức 4,0% trong hai năm 2024 và 2025. Khu vực chế biến chế tạo liên quan đến thương mại dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới.Đối với khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng được duy trì ở mức 4,6% trong năm nay nhờ sự cải thiện vững vàng về nhu cầu nội địa và bên ngoài. Triển vọng năm nay của khu vực Caucasus và Trung Á được nâng lên 4,5% so với dự báo trước đó là 4,3%, một phần nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ở Azerbaijan và Kyrgyzstan. Tại Thái Bình Dương, triển vọng tăng trưởng của năm 2024 được duy trì ở mức 3,3%, nhờ chi tiêu cho du lịch và cơ sở hạ tầng, cùng với hoạt động khai khoáng được phục hồi tại Papua New Guinea.

Về khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 lên 5,0% từ mức dự báo trước đó là 4,9%, do xuất khẩu tăng của khu vực đã bổ sung cho nhu cầu nội địa vững vàng. Triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 được giữ nguyên ở mức 4,9%.

Lạm phát khu vực được dự báo giảm dần xuống còn 2,9% trong năm nay, trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu giảm và tác động dai dẳng của các mức lãi suất cao hơn. Sau quá trình phục hồi hậu đại dịch chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa, xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực. Nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn dùng cho các ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, đang giúp đẩy mạnh xuất khẩu từ một số nền kinh tế châu Á.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB ông Alberk Park chia sẻ: “Hầu hết khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với nửa cuối năm ngoái. Các yếu tố cơ bản của khu vực vẫn vững vàng, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới một số rủi ro có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng, từ sự không chắc chắn liên quan tới kết quả bầu cử tại các nền kinh tế chủ chốt tới những quyết định về lãi suất và những căng thẳng địa chính trị”.

Trong khi lạm phát đang giảm dần về mức trước đại dịch trong khu vực nói chung, áp lực giá cả vẫn cao tại một số nền kinh tế. Lạm phát giá lương thực vẫn cao tại Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, một phần là do khí hậu bất lợi và những hạn chế xuất khẩu lương thực ở một số nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được duy trì ở mức 4,8% trong năm nay. Tiêu dùng dịch vụ tiếp tục phục hồi cùng với các hoạt động công nghiệp và xuất khẩu mạnh hơn dự kiến đang hỗ trợ cho tăng trưởng, ngay cả khi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc vẫn chưa ổn định. Chính phủ đã đưa ra các biện pháp chính sách bổ sung vào tháng 5 để hỗ trợ thị trường bất động sản.

Triển vọng của Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, cũng được giữ nguyên ở mức 7,0% trong năm tài khóa 2024. Ngành công nghiệp của Ấn Độ được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lĩnh vực sản xuất và nhu cầu xây dựng cao. Nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi trong bối cảnh dự báo lượng mưa trên mức trung bình, trong khi nhu cầu đầu tư vẫn mạnh, với đầu tư công có vai trò chủ đạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Ấn tượng văn học và điện ảnh Việt tại Hội chợ Sách Hong Kong (Trung Quốc)

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Việt Nam đã tham gia Hội chợ sách Hong Kong lần thứ 34 do Hội đồng Phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) tổ chức, đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 17-23/7. Hội chợ thu hút 760 nhà triển lãm đến từ 31 quốc gia và khu vực trên thế giới như Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và các nước Argentina, Pháp, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, … với hơn 600 hoạt động văn hóa. Chủ đề của hội chợ năm nay là “Văn học điện ảnh và truyền hình”, tập trung quảng bá các tác phẩm chuyển thể văn học, tác phẩm điện ảnh và truyền hình, kịch bản phim truyền hình, văn hóa điện ảnh cùng đa dạng các loại sách phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.

Ban Chỉ đạo 35 Trung ương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị. Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc 35 Trung ương, các cơ quan, ban, bộ, ngành liên quan.

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư về Quốc hội

Chiều 16/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.