Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn trong các lĩnh vực triển vọng tương lai. |
Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN |
Ngày 16/7, Cơ quan Xúc tiến thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) đã phối hợp cùng một số đơn vị ở Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn trong các lĩnh vực triển vọng tương lai.
Tại đây, các chuyên cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài.
Theo ông Shin Choong-il, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng trong hợp tác kinh tế nhờ nền tảng gắn kết mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa các lãnh đạp cấp cao của hai nước. Đặc biệt, những lĩnh vưc công nghiệp tương lai như năng lượng thân thiện với môi trường, chuyển đổi số, kinh tế xanh, công nghệ sinh học… Những lĩnh vực này đã được Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất sẽ tăng cường chuyển giao công nghệ và trao đổi nguồn nhân lực.
Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp tương lai rất đa dạng lĩnh vực, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, các quốc gia cần thường xuyên chia sẻ thông tin để tăng cơ hội kinh doanh, tiến đến sự hợp tác bền vững. Bên cạnh đó, sự kết nối của các quốc gia sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp đa quốc gia.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. |
Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN |
Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và chuyên ngành, đa phương và song phương, ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong số đó có thể kể đến Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), Cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc, ASEAN-Hàn Quốc…Riêng về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đóng vai trò trụ cột trong quan hệ hai nước. Điều này thể hiện qua việc Hàn Quốc duy trì vị trí đối tác số 1 của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đứng thứ 2 trong vai trò nhà tài trợ ODA song phương cho Việt Nam và đứng thứ 3 về trao đổi mậu dịch hai chiều với Việt Nam.
Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư Kim Young Kyun, Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Seoul cho rằng, để tạo động thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần chuyển đổi tăng trưởng theo hướng lấy năng suất làm chủ đạo thông qua đổi mới công nghệ, tăng cường tham gia sản xuất bộ phận, thiết bị để tăng mức độ đóng góp giá trị gia tăng trong nước.Một trong những lĩnh vực phải thúc đẩy trong hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc là đầu tư nghiện cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư R&D, đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam; hay hợp tác thu hút và đào tạo nhân tài Việt Nam tại các trường đại học Hàn Quốc.
Về phía Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (MPI) đánh giá, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc chất lượng, công nghê cao, triển khai nhanh, có trách nhiệm xã hội, quan tâm người lao động, tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng chậm lại các quyết định đầu tư vào Việt Nam do các vấn đề biến động nền kinh tế bên trong và bên ngoài.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thêm, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam được định hướng chủ động thu hút có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ngoài ra, Việt Nam ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.Việt Nam thường xuyên công bố và cập nhật những ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầy tư như điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới sáng tạo nghiên cứu và phát triển; trung tâm tài chính; kinh tế số, chuyển đổi số…
Song song với đó, Việt Nam tiếp tục thực hiên giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực); tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn…Điều này cho thấy sự chuẩn bị của Việt Nam để đón làn sóng đầu tư như quỹ đất, hạ tầng khu công nghiệp gắn với phát triển nhà ở cho người lao động; phát nguồn nhân lực, thị trường lao động; phát triển công nghiệp phụ trợ.
Trong khuôn khổ diễn đàn lần này cũng diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ (MOU) về các thỏa thuận hợp tác đạt được giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc./.