Hướng dẫn người dân tại xã Minh Tân (Lương Tài, Bắc Ninh) làm thủ tục để nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt. |
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN |
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Ninh Hồ Minh Thế cho biết, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng sự đồng thuận của người dân, đến nay, tỷ lệ chi trả tiền bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt của Bắc Ninh đạt 93,6%. Qua đó giúp chi trả đúng, kịp thời các đối tượng.
Tại Bắc Ninh, việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt bắt đầu từ ngày 1/7/2024. Để thực hiện hiệu quả, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp với Tổ công tác Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Bắc Ninh và Công an tỉnh trong triển khai đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Bằng các giải pháp thiết thực, tinh thần triển khai quyết liệt, từ một tỉnh có tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt nằm trong nhóm thấp của cả nước, đến nay, Bắc Ninh đứng thứ 3 toàn quốc về chi trả bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt (sau Hà Nội, Hà Tĩnh).
Việc chi trả tiền bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt là phương thức chi trả hiện đại, tiện lợi, phù hợp với xu hướng ứng dụng trong chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế. Qua đó, từng bước cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho người dân trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.
Để triển khai hiệu quả, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tuyên truyền tính thiết thực về quy trình, thủ tục thực hiện, các dịch vụ, ưu đãi của ngân hàng, tính ưu việt của việc chi trả, thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với bảo hiểm xã hội cấp huyện, bưu điện cấp huyện, hệ thống các ngân hàng cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản ban đầu của người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên địa bàn. Hằng tháng, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với bưu điện tỉnh, bưu điện các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, cập nhật danh sách người hưởng, người được ủy quyền chuyển đến đơn vị cung cấp dịch vụ để tiến hành chi trả kịp thời cho người thụ hưởng theo quy định.
Việc triển khai chi trả bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên với đối tượng bảo trợ xã hội, người có công là người già, người khuyết tật, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Ngoài ra, trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả không dùng tiền mặt chưa bảo đảm đầy đủ; máy rút tiền của các ngân hàng còn ít, việc đi lại rút tiền khó khăn; có trường hợp rút tiền bị thu phí dịch vụ…
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh, chủ trương chi trả không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và an toàn trong thanh toán cho người thụ hưởng chính sách. Để bảo đảm thuận lợi cho người dân, những đối tượng không có khả năng mở thẻ hoặc không có khả năng đi lại rút tiền, địa phương đã triển khai làm giấy ủy quyền cho người thân hoặc người giám hộ đối tượng để mở thẻ. Sở sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng chấm dứt việc thu phí dịch vụ của các đối tượng và phát triển thêm nhiều máy rút tiền trong thời gian sớm nhất.
Cùng với chi trả bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt, công tác phối hợp đồng bộ dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với định danh cá nhân, Căn cước công dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng được triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, đến nay đã có 1.365.886/1.370.201 trường hợp, (đạt 99,69% tổng số người đang tham gia bảo hiểm) được đồng bộ dữ liệu.../.