Xóa nhà tạm: Nhiều cách làm hiệu quả ở vùng cao Tuyên Quang
Toàn tỉnh Tuyên Quang đã làm mới và sửa chữa nhà ở cho hàng nghìn hộ gia đình khó khăn.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ san nền làm nhà mới cho hộ nghèo xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên.
 Ảnh: TTXVN phát

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo ở tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 308), đến nay toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa nhà ở cho hàng nghìn hộ gia đình khó khăn. Qua đó, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở cho hộ nghèo, bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại địa bàn khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

*Niềm vui khôn xiết

Hộ nghèo xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên được Công an tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ làm nhà mới. 
Ảnh: TTXVN phát

Gia đình ông Vi Văn Các, dân tộc Cao Lan (thôn Hợp Hòa, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên) là một trong số hàng nghìn hộ ở Tuyên Quang được hỗ trợ 50 triệu đồng theo Đề án 308 để làm nhà mới. Nhiều năm nay, gia đình ông ở trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa to, gió lớn là cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Gia đình ông đã được hỗ trợ tiền cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con trong thôn, hiện gia đình ông đang xây dựng ngôi nhà sàn bằng bê tông. Dự kiến trong tháng 12/2024, ngôi nhà sẽ hoàn thành. Đây là động lực lớn để gia đình ông ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.

Gia đình anh La Văn Dưỡng (thôn Đình, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa) cũng được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Trước đây, gia đình anh ở ngôi nhà cũ được dựng từ 20 năm trước, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ cao đổ sập khi có mưa to, gió lớn. Gia đình anh được hỗ trợ 50 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của đoàn thể, họ hàng để xây dựng nhà mới. Sau nhiều tháng thi công, ngôi nhà mới đã hoàn thành với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Ước mơ xây dựng được ngôi nhà kiên cố bao năm nay của gia đình anh Dưỡng đã trở thành hiện thực. Có nơi ở ổn định, gia đình anh yên tâm lao động sản xuất, sớm vươn lên thoát nghèo.

Đề án 308 được triển khai ở tỉnh với nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế. Bà Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Sơn cho biết, các cấp, ngành của huyện tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ nghèo nắm cơ hội, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở đã cũ nát. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Sơn đã linh động tạm ứng hỗ trợ 25 triệu đồng, tương ứng 50% kinh phí cho các hộ khởi công xây nhà từ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện; hướng dẫn làm thủ tục và hỗ trợ 100% kinh phí ngay sau khi hoàn thành xong nhà ở.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện giúp hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với vốn vay tín dụng 40 triệu đồng/nhà; vận động cán bộ, công chức, viên chức, gia đình, cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động “Ba cùng” hỗ trợ nguyên vật liệu, ủng hộ ngày công lao động để giúp đỡ hộ nghèo dỡ nhà, đào móng, xây dựng nhà ở… Từ năm 2022 đến nay, huyện Yên Sơn đã xóa được 895/619 ngôi nhà, vượt 145% chỉ tiêu Đề án đề ra.

Xác định việc xóa nhà ở tạm, dột nát là một nội dung trọng tâm giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm cải thiện đời sống, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch và ký kết chương trình phối hợp thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Bà Hoàng Thị Thắm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho hay, từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn thực hiện giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đến nay, đơn vị đã hỗ trợ cho 1.793 hộ gia đình với tổng kinh phí hỗ trợ 89,650 tỷ đồng; dự kiến năm 2025 tiếp tục triển khai hoàn thành cho 305 hộ với kinh phí 15,250 tỷ đồng...

*Nhiều cách làm hiệu quả

UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ hộ nghèo làm nhà mới. 
Ảnh: TTXVN phát

Sau 3 năm thực hiện Đề án 308, Tuyên Quang đã làm mới và sửa chữa cho 7.067 hộ đình, đạt 185% so với cả giai đoạn 2021 - 2025; tổng kinh phí huy động thực hiện trên 911,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND tỉnh, Ban Vận động cứu trợ tỉnh tham mưu phân bổ 51,54 tỷ đồng từ nguồn kinh phí tiếp nhận ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 để hỗ trợ 687 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở xây mới và sửa chữa nhà ở.

Ông Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện tốt vai trò chủ trì, hiệp thương, phối hợp, thống nhất hành động, phân công các tổ chức thành viên phụ trách, bám sát đến từng thôn, hộ gia đình để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giúp đỡ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở theo Đề án 308 và kế hoạch từng năm đảm bảo tiến độ, chất lượng, vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong quá trình triển khai hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho hộ nghèo giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan, đơn vị cấp huyện đều có sự thống nhất về số lượng, danh sách hộ nghèo để không bị trùng lặp đối tượng, nguồn hỗ trợ. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã chủ động phối hợp với chính quyền, các bên liên quan để theo dõi, nắm tình hình và giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở. Đồng thời, các đơn vị phát động, vận động mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ thôn khó khăn, hộ khó khăn để giúp đỡ hộ nghèo có thêm nguồn lực xóa nhà ở tạm, dột nát…

Ông Lê Ngọc Tân cho biết thêm, trong năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 5.000 hộ dân. Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và kết quả thực hiện Đề án 308 để tạo được phong trào, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Đặc biệt, tỉnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, giúp hộ nghèo thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nhà ở, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung và tổng hợp đầy đủ danh sách hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở; tránh bỏ sót, trùng lặp danh sách hỗ trợ và đảm bảo đúng đối tượng. Trong đó, tỉnh quan tâm đến hộ nghèo là người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, hộ nghèo ở các xã xây dựng nông thôn mới, hộ trong vùng bị ảnh hưởng và có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; phối hợp phân bổ nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” theo Công điện số 102 của Thủ tướng Chính phủ…/.

Tin liên quan

Tuyên Quang chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, "không để ai bị bỏ lại phía sau", những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở. Từ năm 2021 đến nay, đã có hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng, giúp các hộ nghèo ở Tuyên Quang ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Cơ hội khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường Halal

Từ ngày 20-22/12, Lễ hội Halal Melaka 2024 (MIHF’24) đã diễn ra tại Trung tâm thương mại quốc tế Melaka (MITC), Malaysia, thu hút được khoảng 25.000 khách tham quan. Văn phòng Thương vụ Việt Nam đã tham gia trưng bày sản phẩm với thế mạnh là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống, trong đó mặt hàng cà phê đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Ngành Công Thương đẩy mạnh tinh giản, chống lãng phí

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội cùng với Công văn số 168 của Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực về sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, Bộ Công Thương chủ động tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành. Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” tổ chức sáng 23/12.

Truyền thông Uruguay nêu bật thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam

Tờ El popular, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Uruguay, đã đăng bài viết ca ngợi thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, tờ El Popular dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo đó Việt Nam dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 mục tiêu chính của năm, và đạt được mức tăng trưởng kinh tế hơn 7%.

Việt Nam - Điểm sáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh của Italy

Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Italy năm 2024 đã có những dấu ấn sâu sắc, giúp Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Đây là chia sẻ của bà Dương Phương Thảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Rome.

Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024

Các cơ chế hợp tác hiện nay về kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang được vận dụng tương đối hiệu quả, tích cực, chủ động, đáp ứng được những nhiệm vụ đề ra trong mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Đây là đánh giá của Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng trong buổi trao đổi với phóng viên TTXVN tại địa bàn về kết quả ngoại giao kinh tế Việt - Mỹ năm 2024 và triển vọng hợp tác thương mại song phương năm 2025.