Bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghi lễ hầu đồng tại Phủ Dầy thu hút đông đảo những người theo đạo mẫu, nhân dân, du khách. 
Ảnh: Công Luật - TTXVN

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc mà còn thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản trong đời sống văn hóa của người dân.

* Nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, miền sông nước, miền rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần đã có từ xa xưa; trong đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là nhân vật trung tâm của tín ngưỡng. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi lễ, sản vật cúng tiến, trang phục, đạo cụ, múa thiêng, âm nhạc…; trong đó, hát văn và lễ hội là những thành tố chính.

Ông Nguyễn Văn Thư, Ban Chấp hành Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định cho biết, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ là đời sống tâm linh mà còn là bản sắc văn hóa độc đáo, thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như: trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, lễ hội. Tín ngưỡng đang góp phần quan trọng trong việc tạo ra sợi dây liên kết các cộng đồng thực hành di sản.

Từ góc độ người nghiên cứu văn hóa lâu năm tại Nam Định, ông Nguyễn Văn Thư cho rằng, Tín ngưỡng thờ nữ thần, Thánh Mẫu đã đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ chầu văn. Đây là sự tổng hợp nhiều hoạt động tín ngưỡng do cộng đồng sáng tạo và trực tiếp thực hành trong không gian thiêng nhằm ca ngợi công lao của các nhân vật lịch sử có công với nước, với dân; đồng thời là những nhân tố cốt lõi làm nên sức sống lâu bền của đạo Mẫu.

Sửa soạn trang phục mới cho các thanh đồng trong mỗi giá hầu đồng. 
Ảnh: Công Luật - TTXVN

Nghi lễ chầu văn là sự kết hợp chặt chẽ giữa âm nhạc và tín ngưỡng dân gian, quy định chặt chẽ từ làn điệu, lời ca, động tác múa, trang phục, đạo cụ. Từ nghi lễ này đã sản sinh ra các giá (hầu) đồng và nghệ thuật hát văn. Mỗi giá đồng có một bài hát kể về lai lịch, tính cách, công trạng của các vị Thánh hay các anh hùng dân tộc có công với đất nước như: bài hát Đức Thánh Trần, Mẫu Thượng Ngàn, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Mười... Thông qua các ca từ của bài hát giúp nhiều người hiểu thêm về công lao của những vị anh hùng dân tộc.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng. Từ khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng khẳng định tầm quan trọng của tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt.

Thực hành, biểu diễn hầu đồng tại Phủ Tiên Hương, thuộc Khu di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Nam Định). 
Ảnh: Công Luật - TTXVN

* Phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu

Nam Định là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Toàn tỉnh hiện có hơn 350 di tích lịch sử - văn hóa thờ và phối thờ Mẫu; trong đó, riêng xã Kim Thái (huyện Vụ Bản) - nơi tương truyền Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh có hơn 20 di tích.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu, hằng năm, Lễ hội phủ Dầy thường xuyên tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát với hàng trăm cung văn, nhạc công tham gia. Vào những ngày diễn ra liên hoan, các thí sinh mặc áo dài, khăn xếp tham gia tranh tài với những lời ca, tiếng hát ca ngợi công lao to lớn của các bậc tiền nhân hòa chung với nền nhạc độc đáo được trình diễn trong không gian thiêng đã thu hút đông đảo người dân, du khách thưởng thức, chiêm ngưỡng.

Nghệ nhân Trần Thị Huệ, Thủ nhang phủ Tiên Hương cho biết, từ nhiều năm nay, các làn điệu chầu văn đã được nhiều thế hệ người dân ở vùng đất phủ Dầy gìn giữ, phát triển. Liên hoan hát chầu văn được tổ chức tại lễ hội là dịp để các nghệ nhân ôn luyện, trao đổi những lời ca, tiếng hát để phục vụ cộng đồng. Đây cũng dịp để quảng bá, lan tỏa những nét đẹp của nghệ thuật chầu văn đến với du khách trong và ngoài nước.

Thực hành, biểu diễn hầu đồng tại đền Công Đồng thuộc Khu di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định). 
Ảnh: Công Luật - TTXVN

Tại Nam Định, bộ môn nghệ thuật hát chầu văn đang phát triển mạnh với hơn 500 người tham gia thực hành, gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công. Nhiều câu lạc bộ hát văn được duy trì hiệu quả như: Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, thành phố Nam Định; Câu lạc bộ hát văn làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường; Câu lạc bộ thơ ca, nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu... Mỗi câu lạc bộ có từ 20 - 50 thành viên gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ hát văn. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Để gìn giữ vẻ đẹp các nghi lễ gắn với nguyên gốc Tín ngưỡng thờ Mẫu, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã và đang sưu tầm, thu thập nhiều nguồn tài liệu, hiện vật. Đến nay, bảo tàng đã có trên 350 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ liên quan đến thực hành tín ngưỡng. Nhiều năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Nam Định đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh, tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể như: hát ca trù, hát văn, diễn xướng giá đồng để quảng bá, lan tỏa nét đẹp của di sản.

Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết, ngoài việc quảng bá, tuyên truyền về những nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu, huyện sẽ chú trọng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cho các điểm du lịch; đồng thời xây dựng các tour, tuyến du lịch tâm linh để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống đặc trưng của quê hương nhằm tạo ấn tượng, thu hút du khách./.


Tin liên quan

Việt Nam duy trì phát huy bản sắc văn hóa trong không gian Pháp ngữ

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cuối tuần qua, tại thành phố Bussy-Saint-Georges, cách thủ đô Paris (Pháp) 30km, Hiệp hội Pháp ngữ thành phố (AMF-BSG) đã tổ chức sự kiện “Lễ hội mùa Xuân Pháp ngữ” lần thứ ba, với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Sự kiện này mang đến sắc màu văn hóa đa dạng, thể hiện tinh thần kết nối thân thiện, hòa bình giữa các dân tộc ở các quốc gia nói tiếng Pháp.

Khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên mới

Khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh của hệ giá trị văn hóa, con người Hải Phòng vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng và phát triển thành phố nhanh, bền vững trong thời kỳ cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tuyên dương Đoàn cứu nạn, cứu hộ động đất tại Myanmar

Chiều 9/4, dự Lễ tuyên dương Đoàn công tác Quân đội và Công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng,Đoàn Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar thể hiện sự trưởng thành của Quân đội, Công an; thể hiện bản chất, văn hoá Việt Nam và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Sớm thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Tây Ban Nha

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez thăm chính thức Việt Nam từ ngày 08-10/4. Sáng 09/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón chính thức và có cuộc hội đàm thành công tốt đẹp với với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez.

Tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp huyện miền núi tỉnh Ninh Bình phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ghi nhận tại huyện miền núi Nho Quan.

Dồn lực để dự án cao tốc Bắc - Nam về đích

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Quảng Bình sau hơn 2 năm thi công đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4. Hiện các đơn vị thi công đang tăng tốc hoàn thành những hạng mục cuối cùng để công trình trọng điểm này về đích đúng hẹn.

Mang tinh hoa di sản Kinh Bắc đến với công chúng Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 7/4/2025, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc" nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt tại Pháp tranh dân gian Đông Hồ và dân ca Quan họ, những di sản tiêu biểu làm nên hồn cốt văn hóa vùng đất Kinh Bắc. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được Chính phủ Việt Nam đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dự kiến sẽ được xét duyệt vào tháng 12/2025 tại Ấn Độ.

Những sứ giả hòa bình

Tối 8/4, máy bay chở đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, khép lại hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế tại nước bạn Myanmar, quốc gia Đông Nam Á vừa hứng chịu thảm họa động đất độ lớn 7,7. Suốt 10 ngày làm nhiệm vụ không ngừng nghỉ, những chiến sĩ Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng nước ngoài, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế và ý thức trách nhiệm cao cả, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân vùng thiên tai và bạn bè quốc tế về hình ảnh của những "sứ giả hòa bình" mang sắc cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.