Xây mới, sửa chữa nhà cho hộ chính sách theo kiến trúc truyền thống
Hà Giang ưu tiên, khuyến khích người dân xây dựng nhà theo kiến trúc truyền thống vùng cao, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch, vừa gìn giữ nét văn hóa cho người dân nơi đây.
Thời gian qua, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được huyện Đồng Văn (Hà Giang) triển khai đồng bộ, khoa học và hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch. Đáng chú ý, việc xây dựng nhà ở mới không chỉ giúp người dân có nơi ở kiên cố hơn mà còn hướng đến bảo tồn bản sắc văn hóa qua việc áp dụng mô hình kiến trúc nhà truyền thống của người dân vùng cao Đồng Văn. 
Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Trước thực trạng nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) sinh sống trong các căn nhà tạm, xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và an toàn, chương trình xóa nhà tạm, dột nát đã được huyện Đồng Văn triển khai đồng bộ, khoa học, hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch. Đặc biệt, việc xây dựng nhà ở mới còn hướng đến bảo tồn bản sắc văn hóa qua việc áp dụng mô hình kiến trúc nhà truyền thống của người dân vùng cao Đồng Văn.

Theo thống kê, toàn huyện Đồng Văn có 17.808 hộ, khoảng 87.800 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 88,4%. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân vẫn sinh sống trong các căn nhà tạm, dột nát. Qua rà soát, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho 521 hộ (387 hộ xây mới, 134 hộ được sửa chữa). Tính đến ngày 10/3, 89 căn đã hoàn thành theo chương trình xóa nhà tạm, dột nát.

Điểm đặc biệt của chương trình xóa nhà tạm tại Đồng Văn là việc khuyến khích xây dựng nhà ở theo mô hình kiến trúc truyền thống của địa phương. Những ngôi nhà này thường được làm bằng đá, gỗ, hoặc trình tường bằng đất dày, có mái ngói âm dương hoặc lợp tôn, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao. Kiến trúc nhà truyền thống không chỉ giúp bảo vệ người dân khỏi thời tiết khắc nghiệt, mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc sinh sống tại Đồng Văn.

Một ngôi nhà mới hoàn thành theo kiến trúc truyền thống vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. 
Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Địa phương ưu tiên, khuyến khích người dân xây dựng nhà theo kiến trúc truyền thống vùng cao, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch, vừa gìn giữ nét văn hóa cho người dân nơi đây. Việc này được người dân rất ủng hộ. Đồng Văn đã về đích sớm hơn dự kiến trong công tác xóa nhà tạm, dột nát.

Trong căn nhà mới khang trang, vừa được đưa vào sử dụng hơn 1 tháng, ông Thào Chá Sỳ (thôn Tả Phìn A, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn) chia sẻ: "Nhà cũ của tôi làm bằng gỗ tạp, mái lợp tôn cũ, mùa đông lạnh lắm, gió lùa tứ phía. Được Nhà nước hỗ trợ, tôi xây được nhà mới theo kiểu kiến trúc xưa, hai mái, lợp kiên cố. Giờ nhà chắc chắn hơn, mùa lạnh ấm áp, mùa nắng thì mát mẻ. Tôi yên tâm lo làm ăn, phát triển kinh tế cho gia đình”.

Những ngôi nhà mới hoàn thành theo kiến trúc truyền thống vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. 
Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Đến ngày 10/3, tổng kinh phí xóa nhà tạm toàn huyện đạt hơn 20 tỷ đồng. Việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm tại huyện cũng nhận được sự đóng góp lớn từ cộng đồng, với 3.560 ngày công lao động, tương đương 712 triệu đồng. Đặc biệt, việc xây dựng nhà trên vùng cao Đồng Văn được thực hiện một cách đồng bộ và đồng lòng từ người dân, giúp những ngôi nhà được xây dựng nhanh chóng, tiết kiệm.

Ông Cử Mí Sính, Phó Chủ tịch xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn cho biết, xây nhà ở vùng cao, khó khăn nhất là khâu vận chuyển vật liệu. Muốn vận chuyển được vật liệu đến nơi xây nhà cho người dân, nhiều nhà phải đi bộ giúp chuyển vật liệu, qua hoạt động này thêm thắt chặt sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm. Đó cũng là một nét văn hóa đáng quý của người dân nơi đây. Ngoài ra, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với huyện và các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ người dân.

Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Nguyễn Tiến Dũng, thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng chương trình, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo các căn nhà xây mới vừa bền vững, vừa giữ gìn nét đặc trưng của kiến trúc vùng cao Đồng Văn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tuyên dương Đoàn cứu nạn, cứu hộ động đất tại Myanmar

Chiều 9/4, dự Lễ tuyên dương Đoàn công tác Quân đội và Công an tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng,Đoàn Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar thể hiện sự trưởng thành của Quân đội, Công an; thể hiện bản chất, văn hoá Việt Nam và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Sớm thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Tây Ban Nha

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez thăm chính thức Việt Nam từ ngày 08-10/4. Sáng 09/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón chính thức và có cuộc hội đàm thành công tốt đẹp với với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez.

Tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp huyện miền núi tỉnh Ninh Bình phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ghi nhận tại huyện miền núi Nho Quan.

Dồn lực để dự án cao tốc Bắc - Nam về đích

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Quảng Bình sau hơn 2 năm thi công đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4. Hiện các đơn vị thi công đang tăng tốc hoàn thành những hạng mục cuối cùng để công trình trọng điểm này về đích đúng hẹn.

Mang tinh hoa di sản Kinh Bắc đến với công chúng Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 7/4/2025, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc" nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt tại Pháp tranh dân gian Đông Hồ và dân ca Quan họ, những di sản tiêu biểu làm nên hồn cốt văn hóa vùng đất Kinh Bắc. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được Chính phủ Việt Nam đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dự kiến sẽ được xét duyệt vào tháng 12/2025 tại Ấn Độ.

Những sứ giả hòa bình

Tối 8/4, máy bay chở đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, khép lại hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế tại nước bạn Myanmar, quốc gia Đông Nam Á vừa hứng chịu thảm họa động đất độ lớn 7,7. Suốt 10 ngày làm nhiệm vụ không ngừng nghỉ, những chiến sĩ Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng nước ngoài, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế và ý thức trách nhiệm cao cả, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân vùng thiên tai và bạn bè quốc tế về hình ảnh của những "sứ giả hòa bình" mang sắc cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.