Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hoá
Chiều 23/5, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hoá.
Ông Nguyễn Anh Sơn- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương



Ông Nguyễn Anh Sơn- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngày 8 tháng 3 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Để thực thi chi tiết các quy định trong Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định về xuất xứ hàng hóa, kiểm tra, xác minh xuất xứ, trách nhiệm của các bộ, ban ngành, doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ra đời giúp Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho thương nhân vận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi, qua đó mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 31/2018/NĐ-CP cho thấy các quy định của Nghị định đã góp phần tạo khung pháp lý trong việc quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa và tạo điều kiện để thương nhân đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 47 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá để hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa được nội luật hóa trên cơ sở tuân thủ quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cam kết về xuất xứ hàng hoá tại các Hiệp định thương mại tự do.

Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VK, AK, D, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đang thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử nhanh, hiệu quả. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.

Sau 7 năm thực hiện Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA) với nhiều quy định, cam kết khác nhau đã phát sinh một số vấn đề mà Nghị định này cần điều chỉnh như quy trình, thủ tục áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chế tài xử lý gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp C/O, hồ sơ thương nhân, lưu trữ hồ sơ...

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối ứng đối với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.

Căng thẳng thương mại leo thang dẫn đến các hành vi gian lận thương mại; trong đó, gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, trong đó hướng tới các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế.

Áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thương nhân xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu quản lý rủi ro, cùng với chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ. Thiết lập cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Nghị định sẽ cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để doanh nghiệp, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành. Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

"Ban soạn thảo, Tổ biên tập mong muốn nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét để Chính phủ ban hành theo thủ tục trình tự rút gọn" - ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.

Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 5/2025.

Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của các đơn vị bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng cùng toàn thể doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại bền vững./.

Tin liên quan

Kịp thời triển khai chiến lược về xuất khẩu gạo đến năm 2030

Nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành xuất khẩu gạo năm 2025, chiều ngày 20/5, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị về điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạọ…

Tin cùng chuyên mục

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại TP. HCM

Bắt đầu từ 7h sáng 24/5, Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đồng thời được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM). Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM chủ trì và dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo TPHCM vào viếng, thắp hương tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Cử hành trọng thể Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Sáng 24/5, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.

Gọng kìm dẹp buôn lậu: Thông điệp mạnh mẽ từ người đứng đầu

Đứng trước mối nguy đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, uy tín quốc gia và môi trường đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đồng thời trực tiếp chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt.

Thái Bình trang bị “lá chắn số” cho người dân vùng nông thôn

Với hơn 80% dân số sinh sống tại vùng nông thôn, tỉnh Thái Bình đang nỗ lực trang bị "lá chắn số" cho người dân ở khu vực này, đặc biệt là những người cao tuổi, giúp họ vững tin hơn trong hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Các chương trình tập huấn kỹ năng số và nhận diện lừa đảo trực tuyến đang mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng một cộng đồng thích ứng với công nghệ và an toàn trên không gian mạng.