Cần cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, không chỉ là nơi giữ rừng, giữ nước mà còn chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển quan hệ đối ngoại vì sự phát triển chung của cả nước.
Xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng mới được đầu tư bài bản, có trọng điểm của tỉnh Lào Cai với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Ngày 30/7, tại tỉnh Lào Cai đã diễn ra Hội nghị của Tiểu ban Kinh tế- Xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIV với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng trung du và miền núi phía Bắc chủ trì Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, không chỉ là nơi giữ rừng, giữ nước mà còn chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển quan hệ đối ngoại vì sự phát triển chung của cả nước. Tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương, mong địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương nỗ lực, quan tâm hơn nữa đến cán bộ là người dân tộc, làm công tác dân tộc. Đồng thời cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp nhưng nhiều địa phương chưa triển khai, liên kết giao thông phải đi trước để khai thác tiềm năng, lợi thế…

Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung cả nước (5,05%) và là vùng cao nhất cả nước, trong đó, Bắc Giang có mức tăng trưởng cao nhất cả nước là 13,45%. GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 68 triệu đồng (cao hơn vùng Tây Nguyên); thu ngân sách Nhà nước năm 2023 vào khoảng 88.000 tỷ đồng, vượt 17% so với dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 67 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2022.

Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá xã hội lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. 
Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Một số đại biểu nêu ý kiến, với đặc thù là các tỉnh trong vùng gắn kết chặt chẽ với vùng Tây Nam - Trung Quốc nên cần thiết phải đưa vào Văn kiện Đại hội XIV nội dung là thực hiện nghiêm túc tuyên bố chung giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt là Việt Nam - Trung Quốc) để cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trở thành chương trình, dự án cụ thể cho từng tỉnh trong vùng. Thêm vào đó, cần xác định các mục tiêu chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng phải cao hơn mức trung bình của cả nước (tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ giảm nghèo....) thì mới có thể bảo đảm “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Các bên liên quan nghiên cứu và quyết tâm đưa vào Văn kiện Đại hội XIV mục tiêu đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trong vùng không còn hộ nghèo hoặc tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% (hiện hộ nghèo trong vùng là gần 12%; cả nước khoảng 2,93%) để dồn thêm lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm khoảng 30% diện tích cả nước, có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc trên 1.960 km đường biên với Lào và Trung Quốc, chăm lo cho gần 50% số người dân tộc thiểu số của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của vùng là 18,2%, cận nghèo là 37% - cao nhất trong 6 vùng kinh tế. GRDP bình quân đầu người của vùng chỉ bằng 65% bình quân chung cả nước (68 triệu đồng so với 105 triệu đồng/người của cả nước). Quy mô kinh tế toàn vùng chỉ chiếm 8,6% quy mô kinh tế cả nước. Kim ngạch xuất khẩu ở 7 tỉnh biên giới chỉ bằng 0,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp nhất so với các vùng khác của cả nước (47,9% so với bình quân cả nước đạt 74%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo, kiên cố hóa trường lớp học của vùng cũng thấp nhất cả nước...).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. 
Ảnh: TTXVN phát

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng để đạt được các mục tiêu phát triển vùng như Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định thì cần sớm ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để các tỉnh trong vùng tận dụng tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, cần cho phép các địa phương tự quy định khu vực cho khách nước ngoài đi lại nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế về du lịch (theo quy định của Luật Xuất nhập cảnh, người nước ngoài vào du lịch tại khu vực biên giới phải được cấp phép, thời hạn giải quyết tối thiểu 5 ngày). Các bên liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách thực sự hiệu lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp đa mục tiêu của vùng gắn với giảm nghèo, bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường gắn với cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vùng cũng cần có cơ chế để chủ động và có nguồn lực xây dựng “Khu thí điểm thương mại tự do” hoặc "Khu thí điểm thương mại điện tử qua biên giới" tại một số Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đã được Thủ tướng phê duyệt tại Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn tương tự như cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong của Khánh Hòa hay Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng.../.

Tin liên quan

Hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở huyện đảo Lý Sơn

Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Lý Sơn là huyện đảo đang được thụ hưởng các chính sách từ chương trình đã linh hoạt phân bổ nguồn vốn đầu tư, cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, gia tăng giá trị sản xuất, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo, học giả Trung Quốc đề cao những dấu ấn và đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần thăm Trung Quốc, trong đó chuyến thăm gần đây nhất diễn ra từ ngày 30/10-1/11/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, cho đến chuyên gia, học giả, nhân sỹ hữu nghị…, đều bày tỏ tiếc thương, gửi lời chia buồn sâu sắc; đồng thời đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.

Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy ở Đông Nam Á

Việt Nam là người bạn lâu đời và là một trong những đối tác tin cậy của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De tại Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8.

Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Sáng 30/7, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người, nhất là mua bán trẻ em.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài

Hội nhập mở ra cơ hội để nhiều quốc gia trở thành những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam. Song song đó, công tác bảo vệ quyền lợi người đi lao động nước ngoài của Việt Nam luôn được quan tâm, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn (phần 2)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn (phần 1)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.