Theo Giáo sư Kondapalli, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cho quan hệ song phương Việt-Ấn. Một số sự kiện sẽ được tổ chức và một số thỏa thuận dự kiến được ký kết. Ông cho rằng điều này có ý nghĩa quan trọng và sẽ mở rộng quan hệ giữa hai nước trong một số lĩnh vực, trong đó có tăng cường thể chế vững mạnh, liên kết ngoại giao trong một số vấn đề liên quan đến trật tự toàn cầu và khu vực, tăng cường thương mại và đầu tư, cũng như tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh.
Giáo sư Kondapalli cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vốn được lãnh đạo hai nước nâng cấp vào năm 2016. Việc quan hệ song phương trở nên mạnh mẽ và có thể dự đoán được không chỉ bắt nguồn từ mức tăng trưởng kinh tế cao thường xuyên của hai nước, các chuyến thăm cấp cao và sự hội tụ lợi ích bất chấp những gián đoạn toàn cầu và khu vực gần đây, mà còn do các thỏa thuận thể chế được hai bên tạo ra.
Giáo sư Kondapalli cho biết chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh hai nước đã tìm được chỗ đứng cho mình khi bước vào thời kỳ toàn cầu hóa. Bằng cách đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nỗ lực phối hợp trong các thể chế kinh tế đa phương và các sáng kiến khu vực như Hợp tác Mekong-sông Hằng, Ấn Độ và Việt Nam đang trên đà hiện thực hóa các chiến lược phát triển quốc gia của mình. Trong khi thương mại song phương và đầu tư mới chỉ ở mức khiêm tốn, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh và thúc đẩy sự tương tác giữa “Đổi mới” của Việt Nam với quá trình tự do hóa kinh tế của Ấn Độ.
Cũng theo Giáo sư Kondapalli, các dự án tác động nhanh do Ấn Độ thực hiện tại nhiều tỉnh của Việt Nam đã đạt được thành công cao. Điều này có thể sẽ được mở rộng hơn nữa bên cạnh các nghiên cứu về an toàn bức xạ và hạt nhân, điều trị ung thư, các nguồn năng lượng tái tạo...
Cả hai nước đều đề cao hòa bình và thịnh vượng, pháp quyền, an toàn hàng hải và vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Những nỗ lực ngoại giao là chỉ dấu tốt cho việc mở rộng quan hệ song phương trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, hai nước cũng tăng cường hợp tác về mặt thể chế và nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ song phương đã được thảo luận và đưa ra giải pháp. Các cuộc tham vấn của Bộ Ngoại giao, Đối thoại Chiến lược, Đối thoại Quốc phòng, Đối thoại An ninh Hàng hải, cuộc họp của Ủy ban Thương mại, chuyến thăm của các đại biểu Quốc hội đều đã giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau về một số vấn đề cùng quan tâm.
Giáo sư Kondapalli nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ sẽ góp phần mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực./.
Ngọc Thúy