Quang cảnh Kỳ họp. |
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN |
Ngày 29/7, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 19, kỳ họp thường lệ giữa năm 2024. Dự Kỳ họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Kỳ họp diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/7, các đại biểu sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến 152 tài liệu, dự kiến thông qua 32 nghị quyết với nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn và trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân thành phố.
Tại Kỳ họp, các đại biểu sẽ dành thời gian thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề: “Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” và “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này sẽ xem xét, các đại biểu HĐND thành phố cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội khóa XV về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị thành phố trong thời gian tới, mang tính đột phá, là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy lợi thế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới, phát triển thành phố nhanh và bền vững.
Ông Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp. |
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội. Theo đó, Đà Nẵng chính thức thực hiện chính quyền đô thị, đặc biệt là thành phố sẽ được thực hiện thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, gồm: Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường; chính sách ưu tiên, thu hút nhà đầu tư chiến lược, khu thương mại tự do, đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo… Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết với phạm vi chính sách khá rộng, trên nhiều lĩnh vực cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho thành phố, đặc biệt là đối với HĐND thành phố cả về chất lượng ban hành văn bản cũng như tiến độ triển khai. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm chắc cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng phát biểu tại Kỳ họp. |
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN |
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết, nửa đầu năm 2024, HĐND thành phố đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; đã tổ chức 3 kỳ họp để kịp thời xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, quan trọng của thành phố; triển khai nhiều chuyên đề giám sát với nhiều vấn đề mà đại biểu HĐND và cử tri quan tâm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống người dân thành phố. Tại Kỳ họp lần này, HĐND thành phố cần quyết liệt hơn, chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhất là khắc phục điểm nghẽn mang tính chủ quan, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2024, tạo sự bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.
Sáu tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó GRDP tăng 5,0% (cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020 - 2024); thu ngân sách nhà nước tăng 31,7% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được duy trì thực hiện tốt; đời sống nhân dân được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra trong năm 2024; cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo kế hoạch; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp.../.