Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam phục hồi mạnh trong tháng 3
Ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại trong tháng 3/2025, khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Đây là thông tin đáng chú ý trong kỳ công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 3/2025 của S&P Global - Tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính.
Công nhân Công ty TNHH sản xuất AJ Solutions (Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức) tăng tốc làm việc để kịp làm đơn hàng cho đối tác nước ngoài. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Cụ thể, trong tháng 3/2025, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam ghi nhận đạt mức trên ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong thời gian 4 tháng, báo hiệu sự cải thiện các điều kiện kinh doanh vào thời điểm cuối quý I/2025.

Theo S&P Global, với kết quả 50,5 điểm, chỉ số PMI đã tăng so với 49,2 điểm của tháng 2, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã mạnh lên. Sản lượng ngành sản xuất đã tăng lần đầu trong ba tháng và mức độ tăng là lớn nhất kể từ tháng 8/2024.

Khảo sát của S&P Global cho thấy, sự gia tăng sản lượng một phần phản ánh sự cải thiện về mức độ sẵn có của hàng hóa, đồng thời cũng phản ánh sự gia tăng trở lại của số lượng đơn đặt hàng mới sau chuỗi 2 tháng giảm.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng khi có các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng, nhưng mức tăng chỉ là nhẹ trong bối cảnh nhu cầu quốc tế đang tiếp tục suy yếu.

Trên thực tế, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm đáng kể và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2023. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đến nay đã giảm 5 tháng liên tiếp.

Một số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, số lượng đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã giảm. Trong khi sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, các công ty vẫn kém tự tin vào triển vọng sản lượng trong năm.

Dù tâm lý kinh doanh vẫn lạc quan khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng và với những hy vọng tình hình nhu cầu sẽ ổn định, nhưng mức độ lạc quan vẫn ở dưới mức trung bình của lịch sử chỉ số.

Các nhà sản xuất tỏ ra thận trọng trong hoạt động tuyển dụng và hoạt động mua hàng trong tháng 3. Số lượng nhân công giảm tháng thứ 6 liên tiếp, nguyên nhân được cho là do thời kỳ giảm nhu cầu gần đây và tình trạng nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, mức độ giảm số lượng nhân công là nhẹ nhất kể từ đầu năm 2025 đến nay.

Trong khi đó, hoạt động mua hàng đã giảm lần đầu trong 4 tháng khi các công ty cho rằng, thời kỳ mua hàng hóa đầu vào gần đây đã giúp có đủ hàng hóa lưu kho để hỗ trợ nhu cầu sản xuất. Kết quả là, tồn kho hàng mua đã giảm, mặc dù mức giảm là ít đáng kể nhất kể từ tháng 8/2024. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi có một số báo cáo cho biết các công ty ngần ngại trong việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, ngành sản xuất của Việt Nam bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn vào tháng 3 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ đầu năm 2025 đến nay. Hy vọng các công ty sẽ có thể tiếp tục thành công hơn trong những tháng tới dựa trên những cải thiện này.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện các nhà sản xuất vẫn còn khá thận trọng, từ đó ngần ngại tuyển dụng thêm nhân viên hay mua thêm hàng hóa đầu vào. Điều này có thể phản ánh một môi trường quốc tế bất ổn, với số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh trong tháng 3.

Thực tế, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ có những biến động khó lường do những căng thẳng liên quan đến chính sách thuế quan gần đây của Mỹ. Việt Nam có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ nên ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, đa dạng hóa thị trường để thích nghi với sự biến động này.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Kinh tế tư nhân: Vững mạnh cùng kinh tế đất nước

“Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế".

Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Cơ hội bứt phá

Việt Nam đang trên hành trình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất Đông Nam Á. Những cải cách kinh tế mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển bài bản đã giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua.

Chủ tịch Quốc hội bắt đầu thăm chính thức Armenia

Tối 1/4 giờ địa phương (rạng sáng 2/4 giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thủ đô Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương

Sáng 2/4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ mười ba, xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.