![]() |
Thu hoạch lúa áp dụng khoa học công nghệ tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. |
Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN |
Thực hiện Nghị quyết số 57 - NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GRDP của tỉnh, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 55%.
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt trong các hoạt động kinh tế-xã hội đạt 85%; bảo đảm 100% người dân có khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh đạt 12 người trên một vạn dân; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, trong đó tập trung một số lĩnh vực, công nghệ ưu tiên như: Du lịch thông minh, khu- cụm công nghiệp thông minh, khu- cụm công nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản...
Đến năm 2045, chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) và chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh đứng thứ 20 trở lên trong các tỉnh, thành phố. Kinh tế số chiếm trên 50% GRDP của tỉnh với hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động của hệ thống chính trị được vận hành trên nền tảng số, bảo đảm minh bách, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện.
Để đạt được mục tiêu trên, Vĩnh Long đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nghiên cứu cơ chế đặc thù để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là phát triển nhân lực, thu hút, trọng dụng người tài.
Tỉnh tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; nâng cấp hạ tầng số đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 trong cơ quan nhà nước. Tỉnh thực hiện đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới dịch vụ toàn trình, cá nhân hóa dựa trên dữ liệu; tăng cường giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, tỉnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh. Tỉnh triển khai nền tảng quản lý thông minh cho khu, cụm công nghiệp, tích hợp các dịch vụ phục vụ quản lý; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Theo Tỉnh ủy Vĩnh Long, tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh được quan tâm đầu tư, nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ nghiên cứu đạt 18,7 người trên vạn dân; tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 49%. Hoạt động chuyển đổi số từng bước xây dựng 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm dữ liệu tỉnh đồng bộ và một số nền tảng số dùng chung, chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số và triển khai thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh.
Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh còn chậm; nghiên cứ, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá; hạ tầng công nghệ số còn hạn chế, chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ./.