Quyết định lịch sử
Đầu tháng 5/1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết vào miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đã được thành lập.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa, ngày Đoàn chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Đoàn đề nghị được lấy ngày 19/5/1959 là ngày truyền thống. Do đó Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559 và như là một biện chứng, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá, sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi với cái tên đường Hồ Chí Minh.
Con đường huyền thoại
Nguyên tắc tối cao của việc mở đường vào Nam đã được Trung ương căn dặn: “Việc mở đường không ai được biết... không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc là cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng".
Vậy nên, trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhằm bảo đảm bí mật tuyệt đối, Đoàn công tác đã gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ.
Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Đây là cột mốc to lớn đối với cách mạng Việt Nam vì một khẩu súng, một viên đạn được vận chuyển tới chiến trường là thể hiện lòng dân - ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi gắm đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc.
Và trong 16 năm (1959-1975), với khẩu hiệu "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi", những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã không ngừng củng cố, mở rộng con đường, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thành “xương sống” ở bán đảo Đông Dương. Khi cuộc chiến kết thúc, tuyến chi viện chiến lược này (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã đi qua 20 tỉnh thuộc cả 3 nước, với 216 con đường, dài tổng cộng hơn 20.000 km, tỏa ra các chiến trường cả ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong gần 6.000 ngày đêm, đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa vũ khí, hơn hai triệu lượt người cho các chiến trường, góp phần quyết định thực hiện thành công chiến lược: giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sứ mệnh của đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã và đang được các thế hệ sau viết tiếp. Trên những tấm bia của Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hơn 1 vạn hài cốt trong tổng số hơn 2 vạn cán bộ các chiến sĩ, thanh niên xung phong năm xưa ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn đã được quy tập về đây, để ngàn đời sau tri ân, tưởng nhớ. Và cũng trên tuyến đường này, các công trình mới đang được xây dựng, cải tạo, nhằm biến đường Hồ Chí Minh thành một mạch xương sống mới, mang sứ mạng mới của thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước./.
Ngọc Lan (thực hiện)