Chính sách hỗ trợ giáo viên an tâm gắn bó với nghề
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai, từ tháng 9/2024, có 4 đối tượng giáo viên được nhận hỗ trợ đến năm 2025.
Giờ học thể dục tại Trường Tiểu học Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). 
Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập đến năm 2025 tại Kỳ họp thứ 18. Việc này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho các thầy cô tiếp tục an tâm gắn bó với nghề, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục.

Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, từ tháng 9/2024, có 4 đối tượng giáo viên được nhận hỗ trợ đến năm 2025. Đó là giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập; giáo viên trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập; giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập giảng dạy ở các bộ môn khó tuyển dụng và giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập giảng dạy ở các địa bàn khó tuyển dụng. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học, mỗi giáo viên được hỗ trợ từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Tổng mức kinh phí triển khai là 195 tỷ đồng. Đây là chính sách nhân văn, kịp thời giúp đội ngũ nhà giáo có thêm động lực tiếp tục cống hiến.

Cô Nguyễn Thị Lý, giáo viên dạy thể dục, Trường Tiểu học Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa cho biết: Chính sách này là sự động viên rất lớn với các thầy, cô giáo, thấy được sự quan tâm, nỗ lực lớn của tỉnh Đồng Nai nhằm giúp các giáo viên có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Sự chia sẻ này chính là nguồn động lực để những người làm nghề thêm gắn bó, cống hiến hết mình với công việc.

Ở vùng sâu, vùng xa, Trường Trung học Cơ sở Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) nhiều năm qua rất khó khăn trong việc tuyển giáo viên. Thầy Lê Đình Tiến, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Thừa Đức, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ cho biết, nguyên nhân là do trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa; thu nhập thấp nên không thu hút được nhân lực. UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên, nhất là ở những xã khó khăn giúp các thầy cô có thêm động lực để gắn bó với nghề. “Chúng tôi hy vọng, chính sách này có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa. Bởi vì, nguồn hỗ trợ này giúp chất lượng cuộc sống của phần lớn các thầy cô được nâng lên và họ ngày càng yên tâm, gắn bó hơn với nghề”, thầy Lê Đình Tiến cho biết.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh có gần 1.200 giáo viên  ở các cấp học nghỉ việc, nhiều nhất ở cấp mầm non (gần 500 người), cấp tiểu học (hơn 320 người)… Một trong những nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc là do thu nhập thấp, tiền lương chưa đảm bảo trang trải cuộc sống; nhất là đội ngũ giáo viên cấp mầm non, giáo viên vừa được tuyển dụng mới. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài.

Giáo viên dạy các bộ môn khó tuyển dụng ở Đồng Nai sẽ được tỉnh hỗ trợ đến năm 2025. 
Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Võ Ngọc Thạch cho biết, các trường từ mầm non đến phổ thông đang đứng trước thực trạng ngày càng khó tuyển dụng giáo viên; thậm chí có tình trạng giáo viên và nhân viên nghỉ việc chuyển sang làm việc khác.

Theo ông Võ Ngọc Thạch, chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập được tỉnh đưa ra kỳ vọng góp phần thu hút mới, giữ chân đội ngũ giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập. Qua đó, giúp các thầy cô tiếp tục an tâm cống hiến, gắn bó với nghề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng nêu rõ, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập đến năm 2025 có ý nghĩa nhân văn, khẳng định tỉnh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết sẽ tạo động lực mới cho nhiều nhà giáo; giúp cho một bộ phận giáo viên còn đang khó khăn về thu nhập tiếp tục an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Đồng thời khuyến khích và thu hút được nhiều thầy cô về công tác ở những địa bàn còn khó khăn và những bộ môn đang bị thiếu giáo viên./.

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: 'Tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác'

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình mới) được áp dụng đồng bộ ở cả 12 lớp học. Đây cũng là năm học tổng kết 5 năm thực hiện Luật Giáo dục 2019; dự thảo Luật Nhà giáo được đưa ra bàn thảo tại Nghị trường Quốc hội. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về các giải pháp để thực hiện các vấn đề nêu trên.

Tin cùng chuyên mục

Học và làm theo Bác: "Khắc tinh" của tội phạm công nghệ cao

Tận tâm trong công việc, trách nhiệm với cuộc sống bình yên của nhân dân, Thượng tá Trần Minh Cường cùng các đồng đội đã xây dựng được lòng tin vững chắc trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tinh gọn bộ máy

Sáng 19/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII - Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các đồng chí Phó ban Chỉ đạo: Chủ tịch nước Lương Cường; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Lê Minh Hưng.

Đảng viên là “nòng cốt” trong chống khai thác IUU

Công điện số 111 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung trọng tâm, cấp bách là gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã “hiện thực hóa” chỉ đạo đó khi phân công đảng viên quản lý hộ, nhóm hộ tàu cá, coi đây là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động ngư dân. Nhờ đó, từ chỗ là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đến nay, đã cơ bản chấm dứt tình trạng này.

Ưu tiên nguồn lực để bứt phá

Nghị quyết 136/2024/QH15 (Nghị quyết 136) về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đây là tiền đề để thành phố Đà Nẵng tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Với dòng tít “‘Những câu truyện cổ tích dưới nước’ - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu- một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Truyền thông Mexico đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương

Những sáng kiến và đóng góp hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế quan trọng như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vun đắp quan hệ hữu nghị – Trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu

Sáng 18/11, Chủ tịch nước Lương Cường cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Chile và Cộng hoà Peru, cũng như tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình dương (APEC) 2024.