Chủ tịch nước Tô Lâm: Các tổ chức tôn giáo luôn đồng lòng vì sự phát triển chung của đất nước
Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, coi đó là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân...
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. 
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chiều 13/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo nhằm biểu dương, tôn vinh, khích lệ lãnh đạo chức sắc, phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, cùng 60 đại biểu là các vị chức sắc tiêu biểu lãnh đạo các tổ chức tôn giáo.

Cuộc gặp mặt có sự tham gia của các lãnh đạo, chức sắc 45 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo đã được Đảng, Nhà nước công nhận là minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo; khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước ta.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến thắng đã báo cáo khái quát tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Theo đó, tính đến tháng 5/2024, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 27 triệu đồng bào theo đạo (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó, có trên 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc; trên 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 54.000 cơ sở tín ngưỡng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức và đại đa số đồng bào theo các tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức tôn giáo với tình yêu thương con người đã chung tay với Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, chung sức, đồng lòng với chính quyền, nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo đã vận động chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.

Chủ tịch nước Tô Lâm tặng quà cho các đại biểu. 
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các tôn giáo đã giới thiệu những hoạt động thiết thực, bổ ích, cụ thể tham gia chung sức cùng cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đất nước Việt Nam cũng như các tôn giáo sẽ tiếp tục có những thành tựu mới trên con đường phát triển.

Tại buổi gặp mặt, bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn chức sắc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng sống, làm việc và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các tôn giáo, Chủ tịch nước Tô Lâm chuyển lời thăm hỏi ân cần, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các vị lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo cũng như toàn thể đồng bào tôn giáo, có đạo trên cả nước.

Chủ tịch nước nêu rõ, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đất nước phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng với ý chí, nghị lực cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua tất cả và làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp xứng đáng của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc tôn giáo đã chung sức, đồng lòng vì sự phát triển chung của đất nước.

Điểm lại những đóng góp của các tổ chức tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, coi đó là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân, khẳng định đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội mới; luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo được sinh hoạt tôn giáo bình thường và khuyến khích các việc làm ích nước, lợi nhà, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Theo Chủ tịch nước, hiện nay, cả nước đang ra sức phấn đấu, phát huy sức mạnh văn hóa, con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2045 hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp to lớn và vẻ vang đó đòi hỏi phải có quyết tâm, nỗ lực rất cao, sự phấn đấu, đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo, có đạo, trước hết là các vị chức sắc tôn giáo.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc và đồng bào tôn giáo, có đạo sẽ phát huy tốt hơn nữa những giá trị của đạo đức tôn giáo, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quan tâm lãnh đạo tổ chức tôn giáo, đồng bào theo tôn giáo, phối hợp tốt với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, về đại đoàn kết dân tộc, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc"; tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII của Đảng đã đề ra, nhất là trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp tiến tới thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Chủ tịch nước Tô Lâm với các đại biểu. 
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chủ tịch nước cũng mong muốn, các vị lãnh đạo chức sắc tôn giáo tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước đến đồng bào tôn giáo; kêu gọi đồng bào tôn giáo, có đạo ở trong và ngoài nước, đoàn kết với đồng bào, nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, theo phương châm "ích đạo, lợi đời", góp phần xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người Việt Nam, để phát triển xây dựng đất nước.

Nêu rõ, đất nước ta đang đứng trước thời cơ lớn với nhiều triển vọng tốt đẹp nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách chia rẽ, chống phá, Chủ tịch nước cũng đề nghị, các ban, bộ ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tặng quà cho đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo tham gia cuộc gặp mặt./.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh

Ngày 8/5/2024, tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Đây là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO

Ngày 8/5/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được vinh danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Nhiều hoạt động đắc sắc tại “Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024”

“Festival Biển đảo Việt Nam - TP Vũng Tàu 2024” diễn ra từ 23 - 26/5/2024. Sự kiện nhằm mục đích giới thiệu, tôn vinh, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa miền biển, kích cầu du lịch khách nội địa, cổ vũ tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí chiến lược, tiềm năng vô cùng to lớn của Biển đảo Việt Nam.

298 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam

Theo Quyết định số 323/QĐ-BGTVT, ngày 29/3/2024 của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có 298 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. Trong đó, Hải Phòng là địa phương có số lượng bến cảng nhiều nhất cả nước (50 bến cảng).

Việt Nam phấn đấu hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển; tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển-ven biển, hướng đến trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Việt Nam nỗ lực rất lớn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người

Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 15/4/2024. Báo cáo cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 15/4/2024. Theo đó, báo cáo cung cấp tình hình cập nhật với những dẫn chứng, thông tin và số liệu cụ thể, qua đó khẳng định nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người.

Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam

Ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.