Ông Uch Leang là Chủ tịch Hội cựu sinh viên Campuchia từng học tập tại Việt Nam (CAVA), quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc RAC. Ông đánh giá năm 1986, thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách kinh tế thị trường hay gọi là Đổi mới, chính là điểm khởi đầu để đất nước Việt Nam liên tục phát triển, làm thay đổi diện mạo nền kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Trong quá trình này, ông Uch Leang nhấn mạnh không thể bỏ qua vai trò của một bộ máy lãnh đạo mạnh và hiệu quả của đất nước.
Ông Uch Leang nêu rõ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là hết sức quan trọng nhưng để nền kinh tế tăng trưởng ổn định, cần có chính sách đối ngoại vững mạnh, cũng như kiểm soát, xử lý tốt các thách thức trong nước. Đó là vấn đề quan trọng và Việt Nam đã làm được điều này với chính sách đối ngoại linh hoạt. Ông nói: “Có thể thấy chính sách ngoại giao cây tre do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, đưa ra là chính sách đối ngoại linh hoạt và có nền tảng vững chắc, giúp đất nước Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp với mọi xu thế, khuynh hướng, mọi quốc gia trên thế giới. Các cường quốc, nước lớn, nước nhỏ đều có thể là bạn của Việt Nam”.
Học giả Campuchia nhận xét chính sách ngoại giao cây tre được khởi xướng bởi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là một chiến lược vững chắc, khẳng định tiềm năng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, các nước lớn. Công ty lớn của nhiều quốc gia cũng dịch chuyển sản xuất từ các nước sang Việt Nam vì họ tin vào thành công trong hoạt động đầu tư của mình, cũng như tin vào chính quyền dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dồi dào, đủ cung cấp cho các công ty, nhà máy nước ngoài cũng là một lợi thế, khiến các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng đầu tư vào Việt Nam. Một điểm quan trọng khác giúp tạo dựng và củng cố niềm tin vào Việt Nam, theo học giả Uch Leang, chính là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng triển khai thực hiện và thực hiện nghiêm túc công tác ngăn chặn và chống tham nhũng. Điều đó khiến các nước nhìn thấy Việt Nam là một quốc gia có nền luật pháp vững mạnh, cả lãnh đạo và người dân đều nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, khiến họ có niềm tin để đến đầu tư. Cho rằng việc thực hiện nghiêm chính sách chống tham nhũng đã thực sự góp phần vào công cuộc giảm nghèo, giúp kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, nhà nghiên cứu Uch Leang nhấn mạnh: “Đó là những điều không dễ gì thực hiện được, đòi hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải hy sinh rất nhiều, để có thể triển khai thực hiện công cuộc chống tham nhũng ở đất nước Việt Nam”.
Gắn bó với Việt Nam, Chủ tịch CAVA bày tỏ cũng tự hào khi chứng kiến những thành tựu của quốc gia láng giềng. Ông Uch Leang chia sẻ: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân Việt Nam tự hào với những thành tựu đã có. Đó là nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, người dân có đủ điều kiện trong hoạt động làm ăn sinh sống, có nhiều công ty lớn của nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, trong khi hoạt động sửa đổi, bổ sung điều chỉnh luật cũng được tiến hành sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, cũng như bối cảnh tình hình chính trị khu vực và thế giới”.
Đánh giá về chính sách đối ngoại của Việt Nam, học giả Uch Leang cho rằng nhờ sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại, Việt Nam có thể kết nối, thiết lập quan hệ đối ngoại thông suốt với mọi quốc gia, thuộc mọi chế độ chính trị. Đường lối chính trị ngoại giao hiện nay của Việt Nam luôn giữ lập trường làm thế nào để củng cố mối quan hệ tốt đẹp với mọi xu thế, khuynh hướng chính trị và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng như Campuchia. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam không ngừng được tiếp tục vun đắp thông qua hoạt động trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, duy trì tốt hoạt động giao lưu nhân dân... Thông qua đó, sự gắn bó mật thiết giữa hai nước luôn được đẩy mạnh, đề cao. Từ góc độ tiếp cận đó, Chủ tịch CAVA nhận định con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một chính sách thành công, nhận được sự ủng hộ của toàn thể người dân Việt Nam, vốn luôn gửi gắm niềm tin và kỳ vọng đất nước mình trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Học giả Uch Leang nhấn mạnh, đó cũng là thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Huỳnh Thảo