Đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời này trong thư trả lời ông Hoàng Phan Kính và ông Trần Lê Hữu ngày 2 tháng 4 năm 1949. Bản chất câu nói đó của Bác, chính là sự đổi mới. Đổi mới là thay đổi cách nghĩ, cách làm bằng cách nghĩ, cách làm mới khoa học hơn, hiệu quả hơn, hợp với quy luật của sự phát triển, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trở lại lịch sử, trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, Đảng ta đang ra sức củng cố chính quyền cách mạng và gấp rút thực hiện các chính sách cải cách, đổi mới, nhằm đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, quá trình lãnh đạo cách mạng là một quá trình đổi mới liên tục của Đảng, “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình đổi mới và cải cách hành chính, nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính được xem là một trong những giải pháp chiến lược, một bước ngoặt tái cấu trúc toàn diện để đất nước đủ tầm đón đầu cơ hội trong kỷ nguyên mới.
Một trong những lợi ích rõ rệt nhất là tiết kiệm chi phí vận hành bộ máy nhà nước. Việc sáp nhập giúp giảm số lượng các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, từ đó giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Theo Bộ Nội vụ, mỗi tỉnh sáp nhập thành công tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ chi thường xuyên, từ đó, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội. Đây là một bước cụ thể trong quá trình cải cách hành chính, hướng tới mô hình quản lý hiện đại, hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế quốc tế.
Ciệc sáp nhập cũng hướng tới quản trị hiện đại và công bằng xã hội, là bước đệm để xây dựng nền quản trị hiện đại, lấy người dân làm trung tâm, quản trị bằng chuyển đối số. Vì vậy mỗi người dân cần hiểu rằng: sáp nhập không phải là đánh mất bản sắc địa phương, mà là để nâng tầm địa phương, là viết tiếp một chương mới với quy mô lớn hơn, tầm vóc cao hơn. Đây là lúc để toàn dân, toàn Đảng cùng nhau hành động vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì một Việt Nam tinh gọn hơn, mạnh mẽ hơn và hùng cường hơn trong thế kỷ 21./.
Thu Hạnh