Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hợp tác xã nông nghiệp
Cách làm mới đã giúp thành viên hợp tác xã an tâm, phấn khởi tin tưởng hơn vào mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Thu hoạch rau xanh tại Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp là mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là mái nhà chung của những người nông dân, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống để phát triển kinh tế hộ. Từ ý nghĩa thực tiễn đó, những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang phối hợp tích cực với các ban ngành, đoàn thể trong việc tư vấn, tuyên truyền vận động người dân tham gia vào hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác đã mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế hộ.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 522 hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ gần 450 tỷ đồng, tổng diện tích trên 65.879 ha canh tác, có 50.583 thành viên; tạo việc làm cho 4.658 lao động. Trong đó có 463 hợp tác xã nông nghiệp, 40 hợp tác xã phi nông nghiệp và 19 Quỹ tín dụng nhân dân.

Ba liên minh hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh có tổng vốn điều lệ 500 triệu đồng, với tổng diện tích đất sản xuất 31.720 ha, với 35 hợp tác xã thành viên và 19 lao động. Hiện, Kiên Giang có 2.272 tổ hợp tác đang hoạt động, tổng số vốn góp trên 18 tỷ đồng và 65.010 ha canh tác; với tổng số 44.272 tổ viên; tạo việc làm cho 7.253 lao động theo thời vụ.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết, những năm qua, các ngành, cấp đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp. Các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập và hoạt động đúng nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi. Cùng với quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hóa nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, vai trò kinh tế tập thể mà nông dân tham gia đã góp phần giải quyết việc làm và công tác giảm nghèo ở địa phương. Thông qua các chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong vùng nông thôn, làm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tận dụng hết tiềm năng lợi thế đất đai, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Trong xây dựng nông thôn mới, nông dân đã tích cực tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí, hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp 9 tiêu chí; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, làm nòng cốt trong giảm nghèo ở địa phương.

Hoa đậu biếc - sản phẩm nông nghiệp được ưa chuộng của nông dân Kiên Giang.
Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Với các loại hình dịch vụ đa dạng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, các hợp tác xã đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm giúp thành viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định an ninh, chính trị ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 107/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92,24%; 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Bên cạnh việc phối hợp phát triển các mô hình kinh tế tập thể, thu hút nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia vào hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang phối hợp với các ngành trong tỉnh thực hiện tốt công tác tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã về kiến thức kinh tế tập thể để về địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân tham gia, thành lập hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và tổ hợp tác.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn, đến cuối năm 2023, tỉnh Kiên Giang tổ chức thẩm định 5 hợp tác xã vay vốn theo dự án và có 2 hợp tác xã thẩm định đạt là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, huyện Vĩnh Thuận và Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thạnh, huyện Giang Thành. Năm 2024, hoạt động tiếp tục triển khai với 3 hợp tác xã thuộc các huyện Hòn Đất, Gò Quao và Giồng Riềng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sử dụng vốn ủy thác từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm theo Chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể giai đoạn 2020 - 2025. Kết quả đã triển khai 4 lượt dự án cho 4 hợp tác xã vay vốn với số tiền 300 triệu đồng.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh có cách làm mới bằng hình thức làm "cầu nối" giới thiệu các công ty, doanh nghiệp cho hợp tác xã, liên minh hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đảm bảo được đầu ra cho thành viên hợp tác xã. Với các phương thức như: Doanh nghiệp cung ứng lúa giống, phân bón, quy trình sản xuất, hoặc cung ứng lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ mới thanh toán và không tính lãi, hoặc giao tiền mặt từ 3 - 5 triệu đồng/ha...

Với các phương thức này "nút thắt" khó nhất trong sản xuất lúa là tiêu thụ sản phẩm của thành viên đã được tháo gỡ, cả ba bên doanh nghiệp - thành viên hợp tác xã - hợp tác xã cùng có lợi. Cách làm mới đã giúp thành viên hợp tác xã an tâm, phấn khởi tin tưởng hơn vào mô hình hợp tác xã kiểu mới./.

Tin liên quan

Nữ “thủ lĩnh” với 14 sản phẩm OCOP ở Quảng Bình

Sau 8 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) do chị Ngô Thị Kim Liên là chủ tịch Hợp tác xã đã có nhiều sản phẩm sản xuất từ các loại nấm dược liệu quý và đã có 14 sản phẩm OCOP. Đây là thành quả ghi nhận cho những nỗ lực của nữ doanh nhân, đồng thời khẳng định giá trị của người phụ nữ trong thời đại mới.

Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động lớn tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế... Bão qua đi để lại những bài học về kinh nghiệm ứng phó, cùng với đó là các giải pháp bền vững và dài hạn để chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là những giải pháp, hành động cần có theo tinh thần Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục

Thương hiệu quốc gia - Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh

"Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh," là chủ đề của Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2024 diễn ra vào tối 04/11. Chủ đề nhằm nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ hành tinh xanh và phát triển bền vững. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng các thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp đáp ứng xu hướng thị trường thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ.

Thủ tướng thăm khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh

Trong chương trình dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS 10, Hội nghị Cấp cao CLMV 11 và làm việc tại Trung Quốc, chiều 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dâng hoa và thăm Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam chân thành cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vân Nam đã trân trọng gìn giữ Khu di tích; khẳng định đây mãi luôn là "Địa chỉ đỏ" để người dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước học tập, qua đó đồng góp tích cực cho việc vun đắp tình hữu nghị "vừa là đồng chị, vừa là anh em" Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Trà Việt được vinh danh trên đất Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ Hội chợ các sản phẩm khách sạn nhà hàng tại thủ đô Paris, chiều 4/11, Tổ chức Nâng cao Giá trị Nông sản (AVPA) của Pháp đã tổ chức lễ trao giải "Les Thés du Monde" (Trà Thế giới). Mười sản phẩm trà Việt Nam đã nhận được giải thưởng của hiệp hội danh giá này, trong đó có 1 giải Vàng, 1 giải Bạc, 2 giải Đồng và 6 giải Khuyến khích.

Bắt kịp xu hướng để dệt may Việt Nam vươn xa

Trong những năm qua, ngành dệt may nước ta đã tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để lấp dần khoảng trống do phần cung thiếu hụt, chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng hàm lượng sáng tạo. Những nỗ lực này là cơ sở để ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu vươn lên thứ hạng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là việc đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu xanh toàn cầu để giữ vững lợi thế của một ngành đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước.

Kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 (14/8/2024) đến nay

Ngày 30/10/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (ngày 14/8/2024) đến nay và chủ trương xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.  

Nhận diện: Sự thật về luận điệu “quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ngày càng được hoàn thiện, góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Chủ trương đó không phải là khẩu hiệu suông như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thế nhưng các đối tượng chống phá chưa bao giờ ngừng đơm đặt, dựng chuyện và xuyên tạc rằng: “Ở Việt Nam quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”. Sự thật lịch sử và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam đã bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, chống phá đó.

Đổi mới giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Uỷ ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.