Xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy có nhiều chuyển biến vượt bậc do nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. |
Ảnh: Minh Thu/TTXVN |
Huyện Kiến Thụy là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích Vương triều nhà Mạc với Dương Kinh sầm uất một thời vào thế kỷ XVI - một triều đại đã có những chính sách cải cách kinh tế theo hướng mở, góp phần để Hải Phòng trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của đất nước.
* Điểm khởi nghĩa mở đầu
Kiến Thụy là huyện nằm ở phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng, với diện tích hơn 102,56 km vuông, dân số năm 2024 khoảng 200.850 người, có lợi thế giao thông với các địa phương khác cả về đường bộ, đường thủy và đường biển.
Ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy cho biết, qua quá trình bền bỉ chinh phục thiên nhiên để khai phá, tạo dựng cuộc sống, chiến đấu chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, người Kiến Thụy luôn tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn, bề dày văn hóa lâu đời và tinh thần năng động, sáng tạo của người dân, mảnh đất địa linh nhân kiệt. Thực tế đã chứng minh, ở Kiến Thụy, trong bất cứ thời kì giai đoạn lịch sử nào cũng có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, phong trào cách mạng của quân và nhân dân Kiến Thụy phát triển mạnh mẽ. Xuất phát từ thực tiễn và đòi hỏi cấp thiết của cách mạng đặt ra, cách đây vừa tròn 80 năm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ và Liên tỉnh ủy Hải Kiến, ngày 22/9/1944, tại Đầm Bầu, thôn Kính Trực, xã Tân Phong, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện đã được thành lập - tiền thân của Đảng bộ huyện Kiến Thụy ngày nay. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng, đánh dấu giai đoạn trực tiếp chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Đảng đã lựa chọn và trực tiếp lãnh đạo làng Kim Sơn, xã Tân Trào làm "điểm khởi nghĩa mở đầu" giành thắng lợi vào ngày 12/7/1945, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng - chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên ở tỉnh Kiến An - Hải Phòng và vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đồng thời, lãnh đạo lực lượng tự vệ và nhân dân trong toàn huyện cùng với làng Kim Sơn nổi dậy kháng Nhật vào ngày 4/8/1945, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ, gây tiếng vang lớn; góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ.
Theo ông Đỗ Đức Hòa, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ, quân và dân Kiến Thụy luôn đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Trung ương và thành phố Hải Phòng, khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí tự lực, tự cường vượt khó vươn lên. Từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của quân và dân xã Đoàn Xá và các xã trong huyện, năm 1977, Huyện ủy đã ra nghị quyết về "khoán sản phẩm trong nông nghiệp", tạo ra động lực mới thúc đẩy sản xuất phát triển, làm cho tình hình kinh tế xã hội của huyện từng bước ổn định. Kiến Thụy là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công mô hình khoán ruộng cho nông dân. Đây chính là khởi đầu cho cơ chế khoán nông nghiệp trong cả nước. Nghị quyết về khoán trong sản xuất nông nghiệp của Huyện ủy Kiến Thụy là tiền đề để Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết số 24, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 và “cơ chế khoán” chung trong sản xuất nông nghiệp của cả nước được triển khai sâu rộng từ đó. Những năm trước và sau thời điểm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, Kiến Thụy thực sự có bước chuyển mình rõ rệt, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển bền vững của huyện...
* Phát huy thế mạnh ven đô, ven biển
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy cho biết, Đảng bộ huyện tập trung dồn sức cho công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện; đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng "sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân". Từ quyết tâm chính trị đó, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hình thành các khu, cụm công nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, Kiến Thụy vươn mình phát triển mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng nhanh, thu ngân sách năm 2023 đạt 741,62 tỷ đồng, hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV Đảng bộ huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện, nâng cao. Văn hóa cộng đồng được gìn giữ, phát huy bản sắc riêng; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả... Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, tăng cường kết nối với thành phố và khu vực phía Đông Bắc bộ. Huyện đang triển khai xúc tiến các khu, cụm công nghiệp; hết năm 2024, Kiến Thụy có 10/17 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Là người chứng kiến những đổi thay của Kiến Thụy hơn 70 năm qua, ông Phạm Văn Chững (xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy) chia sẻ: Huyện thay đổi mạnh mẽ diện mạo, kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ trung tâm huyện đến các xã, thôn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng được củng cố, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; đặc biệt, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng Kiến Thụy ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, Đảng bộ huyện cần quan tâm lãnh đạo, thực hiện phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương trong tình hình mới. Cùng đó, Kiến Thụy đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, điểm mạnh, yếu để xác định hướng phát triển kinh tế xã hội huyện, chú trọng phát triển chiều sâu. Phát huy sáng kiến, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phấn đấu xây dựng huyện trở thành đơn vị hành chính quận trước năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái gắn với công nghiệp hiện đại.
Đồng thời, huyện tập trung phát huy thế mạnh ven đô, ven biển, đẩy nhanh hoàn thiện các công trình giao thông, thu hút đầu tư thực hiện các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt thời gian tới, huyện Kiến Thụy là trung tâm của khu công nghiệp phía Nam thành phố với nhiều hạng mục quan trọng như cảng biển Nam Đồ Sơn, khu dịch vụ logistics và nhiều công trình phụ trợ được triển khai. Bên cạnh đó, huyện chú trọng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu kinh tế; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội./.