Nghị quyết số 45 khai thác triệt để hơn các lợi thế so sánh của Hải Phòng
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 45, kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN

Ngày 2/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, từ kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về "xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị được ban hành đã bổ sung các cơ chế, chính sách thuận lợi, mạnh mẽ hơn, thực hiện mục tiêu Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ.

Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 45, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của thành phố Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.

Cụ thể, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố có những bước phát triển đột phá. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chế độ, chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước. Hải Phòng phấn đấu cuối năm 2024 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm; đến năm 2025, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh vào các cơ chế, chính sách để phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với thành phố Hải Phòng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về "thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng" đối với 3 lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Tại Hội nghị, ý kiến của các đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia đều có chung nhận định, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua dù còn nhiều khó khăn... Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển. Do đó, Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới; trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục xây dựng và phát triển Hải Phòng như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45, các đại biểu đề xuất nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng cơ chế, chính sách như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hải Phòng sơ kết 3 năm Nghị quyết số số 35 của Quốc hội; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách khác để đề xuất Quốc hội bổ sung, sửa đổi hoặc áp dụng chung cho cả nước.

Hải Phòng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại khu thương mại tự do trên thế giới để xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại đây. Thành phố nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị được quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, chế độ, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền gắn với một số cơ chế, chính sách hợp lý, kết hợp đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý theo "mô hình chính quyền đô thị" phù hợp đặc thù đô thị loại I.

Thành phố tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đột phá hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại trong cả 5 loại hình giao thông; trong đó, ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển nhằm phát huy hết hiệu quả, công suất của hệ thống cảng biển Hải Phòng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Đưa chăn nuôi thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Những lô hàng được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế tiếp tục chứng minh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nhiều nền tảng được xây dựng để đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD.

Gian lận thi cử vẫn ám ảnh

Tình trạng gian lận thi cử một lần nữa gây ám ảnh, với việc những điểm thi “nhảy múa” ở Thái Bình khiến dư luận bức xúc trong những ngày gần đây.

Lãnh đạo, học giả Trung Quốc đề cao những dấu ấn và đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần thăm Trung Quốc, trong đó chuyến thăm gần đây nhất diễn ra từ ngày 30/10-1/11/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, cho đến chuyên gia, học giả, nhân sỹ hữu nghị…, đều bày tỏ tiếc thương, gửi lời chia buồn sâu sắc; đồng thời đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.