EuroCham: Hiệp định EVFTA cho thấy niềm tin của nhà đầu tư châu Âu với Việt Nam
Hiệp định EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư châu Âu như khối Liên minh châu Âu (EU) đã rót 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án, cho thấy niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam.
Chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ngày 31/7, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố khảo sát tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) nhân dịp tiến gần đến 4 năm hiệp định này có hiệu lực.

Theo kết quả khảo sát, Hiệp định EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư châu Âu như khối Liên minh châu Âu (EU) đã rót 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án, cho thấy niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu Euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023 và đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu.

Hiệp định EVFTA thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023, với sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực, gồm: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản... Còn mức xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng từ 11 tỷ Euro lên 11,4 tỷ Euro trong cùng kỳ.

Hiệp định EVFTA cũng đã mở ra cánh cửa cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, gần 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng họ đã nhận được lợi ích, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau như chuỗi cung ứng hợp lý, cải thiện tính minh bạch trong kinh doanh, khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn…Kết quả khảo sát cũng cho thấy, một số trở ngại mà doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA là những yêu cầu pháp lý phức tạp và việc chính quyền địa phương không công nhận một số tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, việc các bên liên quan không hiểu rõ Hiệp định EVFTA, cùng vấn đề về định giá hải quan, thủ tục thông quan, rào cản kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm, cũng vẫn là một rào cản đáng kể làm phức tạp hóa hoạt động thương mại.

Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, khảo sát của EuroCham chỉ ra rằng mặc dù đã đạt được tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, khi bước vào năm thứ 5 của Hiệp định EVFTA, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất những tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều nhận biết, cũng như khai thác hiệu quả lợi ích của hiệp định này.

Về phía EuroCham cam kết hợp tác với các bên liên quan để hợp lý hóa việc tuân thủ quy định, tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi hơn và phát triển đa dạng chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức toàn diện về Hiệp định EVFTA. EuroCham cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp cắt giảm thuế quan hơn nữa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang tích cực ủng hộ phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước tiến quan trọng “mở khóa” toàn bộ tiềm năng của Hiệp định EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện tại, các tổ chức EU đã phê duyệt nhưng EVIPA vẫn yêu cầu phê chuẩn riêng lẻ từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU, nên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam không ngừng vân động các bên liên quan của châu Âu để khuyến khích các quốc gia còn lại cùng đồng hành.

Còn theo ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab (Đơn vị thực hiện khảo sát của EuroCham) chia sẻ, qua những cuộc khảo sát có thể thấy Hiệp định EVFTA là một công cụ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thành công của hiệp định này phụ thuộc vào những nỗ lực liên tục nhằm giải quyết những thách thức tồn tại và khoảng cách nhận thức. Chính vì vậy, một cách tiếp cận có mục tiêu để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thúc đẩy giải quyết những thách thức này, nhất là rào cản kỹ thuật là vấn đề quan trọng trong thời gian tới./.

Tin liên quan

Việt Nam - Nhật Bản nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ với điểm nhấn là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước kể từ khi trở thành Thành viên của Hiệp định CPTPP.

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo, học giả Trung Quốc đề cao những dấu ấn và đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần thăm Trung Quốc, trong đó chuyến thăm gần đây nhất diễn ra từ ngày 30/10-1/11/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, cho đến chuyên gia, học giả, nhân sỹ hữu nghị…, đều bày tỏ tiếc thương, gửi lời chia buồn sâu sắc; đồng thời đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.

Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy ở Đông Nam Á

Việt Nam là người bạn lâu đời và là một trong những đối tác tin cậy của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De tại Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8.

Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Sáng 30/7, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người, nhất là mua bán trẻ em.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài

Hội nhập mở ra cơ hội để nhiều quốc gia trở thành những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam. Song song đó, công tác bảo vệ quyền lợi người đi lao động nước ngoài của Việt Nam luôn được quan tâm, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn (phần 2)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn (phần 1)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.