Quy định mới về điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản
Một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản được quy định chi tiết trong Nghị định 96/2024/NĐ-CP
Xây dựng sàn giao dịch quyền sử dụng đất là tín hiệu tốt 
Ảnh: Tuấn Anh -TTXVN

Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó quy định cụ thể về sàn giao dịch bất động sản.

Theo Nghị định, tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch bất động sản gửi hồ sơ theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của sàn giao dịch bất động sản (nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc nộp hồ sơ trực tuyến) để được cấp giấy phép hoạt động.

Hồ sơ đăng ký hoạt động bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động của sàn giao dịch bất động sản (theo mẫu tại Phụ lục XVII); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với trụ sở sàn giao dịch bất động sản; Bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; Danh sách các môi giới bất động sản đã được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, cấp Giấy phép hoạt động cho sàn giao dịch bất động sản (theo mẫu tại Phụ lục XVIII); trong trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau khi cấp Giấy phép hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh báo cáo về Bộ Xây dựng để đưa thông tin của sàn giao dịch bất động sản lên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng. Thông tin của sàn giao dịch bất động sản gồm: Tên sàn giao dịch bất động sản; tên doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch bất động sản; họ tên của người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; địa chỉ và số điện thoại liên hệ của sàn giao dịch bất động sản.

Trường hợp có sự thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật, các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký hoạt động thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi, sàn giao dịch bất động sản phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi sàn giao dịch bất động sản đăng ký thành lập và hoạt động để được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động. Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh báo cáo về Bộ Xây dựng để quản lý và đăng tải thông tin.

Về điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, Nghị định nêu rõ, sàn giao dịch bất động sản hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. Người đại diện theo pháp luật của sàn giao dịch bất động sản có thể đồng thời là người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản. Sàn giao dịch bất động sản phải có tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. Sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền, báo cáo về phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Theo Nghị định, sàn giao dịch bất động sản hoạt động theo nội dung quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản. Việc xác nhận các giao dịch bất động sản thực hiện như sau: Các giao dịch bất động sản thông qua hình thức trực tiếp thì được xác nhận bằng văn bản. Trường hợp giao dịch bất động sản thông qua hình thức điện tử thì thực hiện việc xác nhận điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử và quy định của pháp luật có liên quan. Trong văn bản xác nhận giao dịch bất động sản phải có đủ chữ ký của đại diện doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án hoặc chủ sở hữu của bất động sản, đại diện sàn giao dịch bất động sản, cá nhân môi giới và con dấu của doanh nghiệp tương ứng với các hình thức giao dịch…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024./.

Tin liên quan

Luật đất đai 2024 mang lại nhiều quyền lợi cho người sử dụng đất

Ngày 01/8 Luật đất đai 2024 chính thức có hiệu lực. Đồng nghĩa với những chính sách quản lý đất đai mới với nhiều điểm có lợi cho người dân cũng chính thức được kích hoạt. Một trong những chính sách được trông đợi nhất là quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tin cùng chuyên mục

Đưa chăn nuôi thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Những lô hàng được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế tiếp tục chứng minh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nhiều nền tảng được xây dựng để đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD.

Gian lận thi cử vẫn ám ảnh

Tình trạng gian lận thi cử một lần nữa gây ám ảnh, với việc những điểm thi “nhảy múa” ở Thái Bình khiến dư luận bức xúc trong những ngày gần đây.

Lãnh đạo, học giả Trung Quốc đề cao những dấu ấn và đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần thăm Trung Quốc, trong đó chuyến thăm gần đây nhất diễn ra từ ngày 30/10-1/11/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, cho đến chuyên gia, học giả, nhân sỹ hữu nghị…, đều bày tỏ tiếc thương, gửi lời chia buồn sâu sắc; đồng thời đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.

Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy ở Đông Nam Á

Việt Nam là người bạn lâu đời và là một trong những đối tác tin cậy của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De tại Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8.