Gian lận thi cử vẫn ám ảnh
Tình trạng gian lận thi cử một lần nữa gây ám ảnh, với việc những điểm thi “nhảy múa” ở Thái Bình khiến dư luận bức xúc trong những ngày gần đây.
Kết quả trước và sau phúc khảo của một thí sinh ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN phát

“Học tài, thi phận” tưởng như chỉ là những mẩu chuyện lưu truyền trong dân gian, nói lên sự lận đận của không ít sĩ tử trên con đường học vấn. Ấy vậy mà đó lại là câu chuyện thực tế “cười ra nước mắt” đang xảy ra tại Thái Bình.

Theo phản ánh của dư luận và báo chí, điểm thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 ở Thái Bình có dấu hiệu bất thường. Sau khi kết thúc kỳ thi và công bố điểm thi, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên một số trường THCS đã “ngã ngửa” vì điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài của thí sinh. Nhiều phụ huynh đã làm đơn phúc khảo, đơn tố cáo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình và một số đơn vị, cá nhân liên quan công tác tuyển sinh.

Kết quả phúc khảo cho thấy, nhiều thí sinh có điểm thi Văn, Toán được công bố ban đầu từ 2 - 4 điểm, sau phúc khảo lên thành 8 - 9,5 điểm. Cá biệt, có trường hợp điểm Toán ban đầu là 3,75, sau phúc khảo đạt 9,5 (chênh lệch 5,75 điểm). Đáng chú ý, trong số các thí sinh kiến nghị phúc khảo bài thi, có nhiều em đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Thái Bình và Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, là các trường nhóm đầu ở Thái Bình.

Ngày 30/7/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã có văn bản yêu cầu Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra đột xuất việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức Kỳ thi vào lớp 10. Sau đó 1 ngày, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình để phục vụ công tác thanh tra.

Ở đây, dấu hỏi về tính chính xác và đặc biệt là tính khách quan trong công tác chấm thi được đặt ra. Dư luận đang rất chờ đợi kết quả thanh tra ở Thái Bình, xem liệu có hành vi cố ý tác động vào điểm thi để “đánh trượt” thí sinh hay không. Trong cuộc đua vào lớp 10 với tỷ lệ chọi cao và được đánh giá là còn gian nan hơn cả thi tốt nghiệp THPT, nhất là thi vào các trường chuyên, trường điểm, hành vi gian lận điểm thi không chỉ làm mất đi tính công bằng đối với mỗi thí sinh, mà nó thậm chí còn “bẻ lái” con đường hướng nghiệp tương lai của các em. Cần phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc này và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ việc ở Thái Bình gợi lại “bóng ma” gian lận thi cử THPT năm 2018 với hàng loạt vụ án xảy ra ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Sự can thiệp nâng điểm trắng trợn đối với hàng trăm bài thi, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, hành vi nhận hối lộ để “đổi trắng thay đen” của nhiều cán bộ ngành giáo dục đã gây choáng váng dư luận cả nước. Là những địa bàn thuộc “vùng lõm” giáo dục, nhưng năm đó, các địa phương này lại chiếm tỷ lệ cao về điểm khối khoa học tự nhiên cao nhất cả nước. Đến năm 2020, các vụ án “thổi điểm” này đã được đưa ra xét xử với bản án thích đáng dành cho những cán bộ quản lý ngành giáo dục, ngành công an địa phương: 5 bị cáo ở Hà Giang, 12 bị cáo ở Sơn La, 15 bị cáo ở Hòa Bình. Hàng chục cán bộ, đảng viên có liên quan cũng đã bị xử lý kỷ luật.

Những bài học đắt giá vẫn còn nguyên đó. Sự xuống cấp về đạo đức của cá nhân, hành vi cố ý làm trái của cán bộ ngành giáo dục và cả căn bệnh thành tích cố hữu… đã làm xô lệch cánh cửa vào đại học của không ít thí sinh có lực học tốt. Đáng lẽ kết quả học tập của các em phải được ghi nhận xứng đáng, thì trớ trêu lại phải “nhường suất” cho những trường hợp “phụ huynh thi hộ”. Xa hơn, đó còn là cả ước mơ vào đời của không ít bạn trẻ bị ảnh hưởng…

Những năm gần đây, đổi mới giáo dục đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, chủ thể của phát triển giáo dục và đào tạo. Cách đánh giá học sinh đã có nhiều thay đổi linh hoạt nhằm tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh, phát huy năng lực của từng học sinh, nỗ lực đem lại cho các em “mỗi ngày tới trường là một ngày vui”. Điều này đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Tuy vậy, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được xử lý triệt để, dẫn đến những cuộc “chạy đua” không hồi kết. Tình trạng phụ huynh phản ánh tỷ lệ “học sinh giỏi”, “học sinh xuất sắc” khá cao so với lực học thực tế của học sinh vào cuối mỗi năm học không phải là chuyện hiếm. Không ít học sinh thì phàn nàn về việc học “vì giấc mơ của cha mẹ”. Cá biệt, một số trường hợp vì quá áp lực với học hành mà dẫn đến những hành động dại dột…

Trong 2 lá thư nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 và 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều bày tỏ mong muốn các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa "hồng", vừa "chuyên". Nghĩa là vừa có đức, vừa có tài, mà “phải lấy đức làm gốc”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh quan điểm giáo dục "làm người”: Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Muốn như vậy, ngoài nhiệm vụ “dạy tốt, học tốt”, cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, nhân văn. Ở đó, các nhà giáo phải là người đầu tiên gương mẫu, là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo, thay vì biến môi trường giáo dục thành nơi “mua bán”, “đổi chác” vì lợi ích cá nhân.

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo, học giả Trung Quốc đề cao những dấu ấn và đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần thăm Trung Quốc, trong đó chuyến thăm gần đây nhất diễn ra từ ngày 30/10-1/11/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, cho đến chuyên gia, học giả, nhân sỹ hữu nghị…, đều bày tỏ tiếc thương, gửi lời chia buồn sâu sắc; đồng thời đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.

Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy ở Đông Nam Á

Việt Nam là người bạn lâu đời và là một trong những đối tác tin cậy của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De tại Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8.

Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Sáng 30/7, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người, nhất là mua bán trẻ em.