Sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Việt Nam có thị phần xuất khẩu lớn nhất vào EU trong khối ASEAN
Thông qua EVFTA, nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn giúp quan hệ kinh tế - thương mại thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU.
Cá ngừ là mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu. 
Ảnh: TTXVN

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 4 năm thực thi (1/8/2020 - 1/8/2024), tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. Đặc biệt, thông qua EVFTA, nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn giúp quan hệ kinh tế - thương mại thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU.

Nhận định từ các chuyên gia, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn, khi thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, người dân đã được mua các sản phẩm nông sản từ châu Âu như rau củ quả, sữa và ngũ cốc với mức giá phù hợp; cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như: máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Không những thế, các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.

Theo Bộ Công Thương, sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong số các nước ASEAN. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tang như thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%...

Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ, Pháp…Riêng tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 13,59% so với tháng 5/2024 và tăng 35,46% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt trên 634,96 triệu USD, tăng 7,73% so với tháng 5/2024 và tăng 7,13% so với tháng 6/2023. Tiếp đó là thị trường Italy đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 385,97 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024 và tăng 4,27% so với tháng 6/2023. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 308,19 triệu USD, tăng 7,51% so với tháng 5/2024 và tăng 3,38% so với tháng 6/2023.

Nhận định của các chuyên gia, Hiệp định EVFTA từ khi có hiệu lực đến nay đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong việc thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. Hơn nữa, EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn…

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác, gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 16,7% vào năm 2022 và gần 20% năn 2023.

Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocharm) tại Việt Nam đánh giá, EVFTA đã giúp Việt Nam vươn lên chiếm ưu thế trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có FTA với EU. Hơn nữa, EVFTA góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro dù Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) vẫn đang trong quá trình phê chuẩn, chưa được thực thi.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả trong nước đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực. Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ 3 của Việt Nam. Nếu như năm 2023, xuất khẩu rau, quả sang EU tăng 30% so với năm 2022 thì năm nay, dự báo xuất khẩu rau, quả sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 2 con số, ước đạt hơn 300 triệu USD.

Không chỉ vậy, thời gian qua, Hiệp định EVFTA góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và thúc đẩy đầu từ trực tiếp của EU và các nước khác vào Việt Nam. Đặc biệt, đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng do tận dụng những lợi thế được tạo ra từ EVFTA, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao, thu hút dòng vốn lớn vào các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, vận tải...

Theo thống kê, tính đến 20/5/2024, tổng FDI của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD (không tính đầu tư qua bên thứ 3). EU đứng thứ 5/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, việc chứng minh xuất xứ hàng hoá ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) đã giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là giúp hàng hoá tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các thoả thuận thương mại từ EVFTA. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.

Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm). Giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.

Ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ nhấn mạnh, hiện nay một số ngành hàng của Việt Nam bị mở rộng điều tra hoặc áp thuế, điều này ảnh hưởng lợi ích trực tiếp từ EVFTA. Vì thế, hàng hóa Việt Nam xuất khẩ sang EU cần đảm bảo không có hàng từ nước thứ ba trá hình vào Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA hoặc vào Việt Nam tránh thuế tự vệ, phá giá rồi xuất đi EU.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 296,87 tỷ USD năm 2023, đồng thời cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu vào khu vực Đông Nam Á. ASEAN - EU là minh chứng của mối quan hệ đối tác giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới trong phát triển hợp tác đa phương, thúc đẩy thương mại tự do trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung. Là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để triển khai hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác EU, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong ASEAN và có ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, trong vai trò là nước điều phối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN – EU và là nước đang phát triển đầu tiên ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do với EU, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, góp phần duy trì ổn định và tính đa dạng của chuỗi cung ứng kết nối nền kinh tế hai khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và EU.

Đại diện Phái đoàn doanh nghiệp châu Âu, ông Jens Rübbert, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) cho biết, EU-ABC luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với khối ASEAN và các quốc gia thành viên; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN trong thúc đẩy các mục tiêu kinh tế chung. Các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam vẫn luôn đặt niềm tin vào thị trường này.

Theo Chỉ số Niềm tin kinh doanh do EuroCham Việt Nam công bố vào đầu năm 2024, gần 3/4 (71%) doanh nghiệp EU đánh giá tích cực về triển vọng hoạt động dài hạn tại Việt Nam. Chỉ số cho thấy tâm lý tích cực và lạc quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cũng như khẳng định những nỗ lực hợp tác giữa hai bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Đưa chăn nuôi thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Những lô hàng được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế tiếp tục chứng minh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nhiều nền tảng được xây dựng để đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD.

Gian lận thi cử vẫn ám ảnh

Tình trạng gian lận thi cử một lần nữa gây ám ảnh, với việc những điểm thi “nhảy múa” ở Thái Bình khiến dư luận bức xúc trong những ngày gần đây.

Lãnh đạo, học giả Trung Quốc đề cao những dấu ấn và đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần thăm Trung Quốc, trong đó chuyến thăm gần đây nhất diễn ra từ ngày 30/10-1/11/2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước; các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, cho đến chuyên gia, học giả, nhân sỹ hữu nghị…, đều bày tỏ tiếc thương, gửi lời chia buồn sâu sắc; đồng thời đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với Việt Nam cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững, vì lợi ích của cả hai nước.

Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy ở Đông Nam Á

Việt Nam là người bạn lâu đời và là một trong những đối tác tin cậy của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Đây là khẳng định của Giáo sư, Tiến sĩ Prabir De tại Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển (RIS) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8.