Duy trì sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong thế hệ trẻ
Sự ra đời của Câu lạc bộ Quan họ Măng non đã chứng tỏ một mô hình hiệu quả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu Quan họ trong thế hệ trẻ và bảo tồn sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa xứ Kinh Bắc.
Biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh.
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước 2003, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện cam kết với UNESCO, 15 năm qua, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.

* Phát triển mạnh trong cộng đồng

Như thường lệ, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du lại tổ chức sinh hoạt. Các "liền chị nhí" mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, "liền anh" mặc áo the khăn xếp, được Ban Chủ nhiệm uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói, bồi dưỡng văn hóa Quan họ. Đây cũng là minh chứng khẳng định Dân ca Quan họ như mạch nguồn chảy mãi qua các thế hệ người dân Bắc Ninh.

Em Nguyễn Hải Yến, Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn chia sẻ, em học hát Quan họ ở câu lạc bộ được 2 năm. Em được dạy các làn điệu Quan họ, được học về lề lối, trang phục, văn hóa Quan họ. Đặc biệt, em tham gia cùng các bà, các cô biểu diễn Quan họ tại Hội Lim, tận mắt chứng kiến tình cảm của khán giả, người yêu Quan họ càng giúp em thêm tự hào, gắn bó với di sản của quê hương nhiều hơn. Đến nay, mỗi khi sinh hoạt tại trường, lớp, em rất tự tin biểu diễn loại hình dân ca này.

Chị Nguyễn Thị Nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn cho biết: Câu lạc bộ ra đời năm 2015, được tách ra từ Câu lạc bộ Quan họ trung, cao tuổi (thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn) do chị đứng ra làm chủ nhiệm. Mặc dù câu lạc bộ không phải ở làng Quan họ gốc hay làng Quan họ thực hành, nhưng với tình yêu dân ca cùng với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, đến nay, các thành viên đều thành thục hàng chục làn điệu.

Liền chị "nhí" duyên dáng trong bộ áo tứ thân biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim, huyện Tiên Du.
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, câu lạc bộ thu hút hơn 30 thành viên từ 4-17 tuổi. Các em đều có niềm đam mê Quan họ nên cùng sinh hoạt trong “mái nhà chung”. Sự ra đời của Câu lạc bộ Quan họ măng non và ngày càng phát triển là một mô hình hiệu quả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu dân ca trong thế hệ trẻ, đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong bảo tồn, lan tỏa Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng.

Từ 44 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ Quan họ vào năm 2009, đến nay Bắc Ninh đã có 150 làng Quan họ thực hành, trên 600 câu lạc bộ Quan họ với hơn 10.000 hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Điều đó khẳng định giá trị to lớn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng đã gây dựng.

Hát Quan họ trên thuyền rồng.
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Nga, Câu lạc bộ Quan họ Khu phố Suối Hoa, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh cho biết bà đã tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ 5 năm. Ban đầu từ việc chưa biết hát, đến nay bà đã hát được hàng chục làn điệu. Tuần nào cũng đến tối thứ Bảy, Chủ nhật, bà lại cùng các thành viên say sưa ôn lại làn điệu cũ và học thêm các làn điệu mới. Cứ như vậy, tình yêu Quan họ đã ươm mầm, phát triển trong cộng đồng. Người cũ dạy cho người mới, các thành viên trong câu lạc bộ đều thành thạo, tự tin đi biểu diễn Quan họ không chỉ trong khu mà còn giao lưu với các câu lạc bộ khác.

* Bảo tồn, phát huy

Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ Quan họ gốc 30 triệu đồng/lần/năm; làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống được hỗ trợ 20 triệu đồng/lần/năm. Đây là hành động thiết thực nhằm giải quyết vấn đề kinh phí cho các câu lạc bộ mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên với những người gìn giữ di sản.

Một lực lượng quan trọng trong bảo tồn Dân ca Quan họ là các nghệ nhân, người "truyền lửa", "linh hồn" trong các câu lạc bộ Quan họ. Hầu hết, họ đã có tuổi nhưng tình yêu Quan họ vẫn luôn đầy nhiệt huyết. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh, Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, thành phố Bắc Ninh cho biết: Bà có hơn 80 tuổi đời với hơn 70 năm gắn bó với Quan họ Bắc Ninh. Quan họ như một phần cuộc sống của bà. Nhờ tình yêu Quan họ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, bà cùng một số người yêu Quan họ phục dựng Quan họ Đương Xá vào năm 1994. Ban đầu, câu lạc bộ có 12 thành viên, trải qua hơn 30 năm, câu lạc bộ đã thu hút 60 thành viên với 3 thế hệ cao tuổi, trung tuổi và măng non.

Các liền chị Quan họ giao lưu theo hình thức hát đối đáp. 
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Với vai trò nghệ nhân truyền dạy, hạt nhân của câu lạc bộ, mặc dù tuổi đã cao nhưng không buổi sinh hoạt nào bà không ra. “Mỗi buổi các em sinh hoạt thì mình phải ra uốn nắn các em cách buông câu nhả chữ cho vang, rền, nền, nảy. Đến nay, những người gìn giữ làn điệu cổ không còn nhiều, mỗi buổi sinh hoạt, tôi thường truyền dạy những làn điệu cổ, khó; đồng thời sáng tác thêm bài mới mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Qua đó, làm giàu thêm vốn Quan họ giúp Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh nói.

Đánh giá về bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp khẳng định: Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống; đã thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả các nội dung cam kết với UNESCO.

Biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh.
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Bắc Ninh cũng là một địa phương đi đầu cả nước về sự quan tâm, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều chính sách của tỉnh có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu.

Bên cạnh đó, tỉnh dành nhiều kinh phí đầu tư hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, trang thiết bị liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ. Đó là nguồn khích lệ các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; động viên nghệ nhân kế cận tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điều đó một lần nữa khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ là đúng hướng, tạo nên sự trường tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại./.

Tin liên quan

Văn hóa soi đường: Giai điệu dân ca Việt Nam vang vọng tại "Thánh đường âm nhạc" Berliner Philharmonie

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 23/9 (giờ địa phương), tại khán phòng hòa nhạc lớn của nhà hát Berliner Philharmonie, nơi được coi là "Thánh đường âm nhạc“ của thủ đô Berlin, lại vang lên những giai điệu dân ca Việt Nam. Các tiết mục được các nhạc công trình diễn bằng các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của gần 2.500 khán giả, trong đó có những khách mời đặc biệt như Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh và ông Martin Schaefer, Quận trưởng quận Lichtenberg.

Tin cùng chuyên mục

Cô gái Khmer tiên phong đưa đường thốt nốt xuất ngoại

Chau Ngọc Dịu là cô gái Khmer ở An Giang đầu tiên thành lập Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Palmania tại Hà Lan để xúc tiến việc xuất khẩu đường thốt nốt An Giang sang thị trường châu Âu, đưa vị ngọt thốt nốt đến gần với bạn bè quốc tế.

Việt Nam là thành viên chủ động và tích cực của AIPA

Hơn 29 năm gia nhập AIPO/AIPA (1995-2024), Quốc hội Việt Nam luôn tích cực đề xuất nhiều sáng kiến để cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực ngày càng hiệu quả hơn. Những đóng góp của Việt Nam trong AIPA đã khẳng định vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện, đưa ngoại giao nghị viện góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của đất nước.  

Những điều cần biết về mạng 5G

Sáng 15/10/2024 tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức khai trương mạng 5G. Chính thức ra mắt chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.  

Giới thiệu tiềm năng ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam tại Malaysia

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong khuôn khổ Triển lãm và Hội nghị kinh doanh quốc tế Selangor 2024 (SIBS), diễn ra từ ngày 16-19/10 tại Kuala Lumpur, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường đã giới thiệu với các đối tác Malaysia và bạn bè quốc tế về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia, cũng như ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Hiệu quả bước đầu trong thí điểm học bạ số

Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, tiến tới triển khai ở tất cả các cấp học. Qua triển khai thí điểm tại 63 địa phương trên cả nước, áp dụng cho năm học 2023 - 2024, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Có thể thấy, học bạ số là giải pháp tối ưu để quản lý học bạ một cách thống nhất, khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 16/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hội nghị lần thứ 2 sau 3 tháng Thủ tướng chủ trì Hội nghị và sau 5 lần Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình giao thông trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.