Người dân trong xã hiến đất để mở rộng đường đê tả Cầu. |
Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN |
Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) là một trong 16 xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Xã An toàn khu 2 (ATK 2). Trong kháng chiến, Xuân Cẩm là “địa chỉ đỏ” nuôi dấu cán bộ cách mạng. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nơi đây tiếp tục vươn lên đạt được những thành tựu vượt bậc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
* Thay da đổi thịt
Xuân Cẩm là xã trung du của huyện Hiệp Hòa. Nhân dân nơi đây cần cù, chịu khó, có truyền thống hiếu học, yêu nước và đấu tranh cách mạng. Từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Xuân Cẩm đã sớm giác ngộ và một lòng theo Đảng. Năm 1940, nhiều lãnh đạo của Trung ương Đảng như các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh… đã về hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng tại đây. Từ đó, Xuân Cẩm đã trở thành "địa chỉ đỏ" nuôi dấu cán bộ cách mạng.
Ngày 12/3/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị, đặc phái viên của Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang, nhân dân làng Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) đã khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là thắng lợi đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và sớm nhất trong cả nước, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trong toàn quốc.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm Nguyễn Quang Liêm cho biết, tiếp nối truyền thống cách mạng, nhân dân trong xã luôn nỗ lực thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó trọng tâm là tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2015, Xuân Cẩm được công nhận Xã Nông thôn mới. Sau đó, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị cùng nhân dân chung sức thực hiện, duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Xuân Cẩm xác định những tiêu chí khó là nhiệm vụ quan trọng để tập trung thực hiện. Căn cứ vào tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền xã, thôn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí, xác định, phân rõ trách nhiệm, phần việc; lộ trình thời gian và triển khai bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo. Nhờ vậy cuối năm 2023, Xuân Cẩm đã đạt chuẩn Xã Nông thôn mới nâng cao.
Mô hình thôn thông minh ở Cẩm Xuyên và Xuân Biều (xã Xuân Cẩm) tạo mã QR để nhận diện số nhà, số ngõ. |
Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN |
Đến Xuân Cẩm hôm nay, mọi người đều cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê thuần nông trước đây với cơ sở hạ tầng đồng bộ, kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn bộ trục đường chính của 5 thôn đều được mở rộng từ 3,5 m lên 7 - 12 m. Cơ sở vật chất cho giáo dục được quan tâm; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Xã luôn chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Địa phương đã tập trung đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Xã xây dựng mô hình Trồng đào Tết có diện tích 30 ha (tại thôn Cẩm Hoàng) cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm; 4 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở 4/5 thôn với tổng diện tích trên 200 ha; mô hình áp dụng cơ giới hóa trong cấy lúa đầu tiên của tỉnh Bắc Giang với diện tích 12,8 ha tại thôn Cẩm Trung; ứng dụng công nghệ phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái với diện tích trên 30 ha. Ngoài ra, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển tiểu thủ công nghiệp. Trên địa bàn có nhiều hộ sản xuất đồ mộc dân dụng và thủ công mỹ nghệ, cơ khí, may mặc... Từ đó, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/lao động/tháng.
Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Xuân Cẩm là phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Sau gần 3 năm triển khai chương trình, hơn 500 hộ dân ở 5 thôn đã tháo dỡ nhà, công trình phụ, hiến hơn 20 nghìn m2 đất (trong đó 18 nghìn m2 đất ở) để mở rộng trục đường thôn, liên thôn, đường đê tả Cầu từ 4 m lên 7 - 12 m, với tổng chiều dài gần 8 km. Trị giá tiền đất hiến hơn 300 tỷ đồng. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 52,28 triệu đồng/người/năm (tăng lên 5,08 triệu đồng/người/năm so với năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,21% (giảm 2,13% so với năm 2023).
* Bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống
Không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, Xuân Cẩm luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca quan họ. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, địa phương tiếp tục xác định thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội theo lĩnh vực văn hóa, đó là “Quan tâm bảo tồn và phát huy có hiệu quả nghệ thuật truyền thống các dân tộc trên địa bàn”.
Xã Xuân Cẩm có nhiều hộ sản xuất đồ mộc dân dụng và thủ công mỹ nghệ, cơ khí, may mặc... tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập từ 8-12 triệu đồng/lao động/tháng. |
Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm Nguyễn Quang Liêm, các thôn của xã không phải là làng quan họ cổ nhưng người dân trên địa bàn lại có tình yêu đặc biệt với các làn điệu này. Vì vậy, khi huyện Hiệp Hòa phối hợp với Hội Văn hóa Quan họ tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển các làng quan họ thực hành trên địa bàn, Xuân Cẩm đã nhanh chóng thành lập được các câu lạc bộ quan họ trên tinh thần tự nguyện tham gia của người dân. Từ những câu lạc bộ đầu tiên được thành lập năm 2022, đến nay, trên địa bàn xã đã có 5 câu lạc bộ quan họ ở cả 5 thôn với hơn 200 thành viên. Ngoài ra, địa phương còn nhân rộng và mở rộng công tác truyền dạy tại các trường học. Nhờ đó đến nay, xã đã thành lập được 2 câu lạc bộ quan họ măng non ở trường tiểu học và trường trung học cơ sở.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ thôn Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Hùng cho biết, bằng tình yêu đối với các làn điệu dân ca quan họ, năm 2022, Câu lạc bộ quan họ thôn Cẩm Xuyên được thành lập với 25 thành viên. Đến nay, số thành viên ngày càng tăng lên, bao gồm cả 3 thế hệ, hoạt động dưới hình thức xã hội hóa và tự nguyện đóng góp. Để duy trì và phát triển, câu lạc bộ luôn hoạt động đều đặn. Hằng tuần vào thứ Bảy, Chủ nhật, các thành viên lại tập trung tại nhà văn hóa thôn để tập luyện, giao lưu, học hỏi. Đồng thời, câu lạc bộ còn được các liền anh, liền chị của các làng quan họ cổ của phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh đến truyền dạy.
UBND xã Xuân Cẩm tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ như: Tổ chức nhiều chương trình Liên hoan văn hóa, văn nghệ gắn với công tác bảo tồn dân ca quan họ; đẩy mạnh việc tổ chức giao lưu hát quan họ trong các đợt tổng kết cuối năm, gặp mặt đầu Xuân, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước, địa phương; tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ quan họ trên địa bàn xã với các câu lạc của phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh)…
“Theo lộ trình năm 2024, UBND xã Xuân Cẩm phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Hiệp Hòa và Hội Văn hóa Quan họ tỉnh xây dựng 2 làng quan họ thực hành ở Cẩm Xuyên và Xuân Biều; phấn đấu đến năm 2026 xây dựng thành công 5/5 làng quan họ thực hành, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng của các làng quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm Nguyễn Quang Liêm chia sẻ.
Hiện nay, Xuân Cẩm là xã đầu tiên ở Hiệp Hòa đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và đang chờ cấp trên về thẩm định. Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng quê giàu truyền thống cách mạng Xuân Cẩm dần trở thành miền quê đáng sống./.